Lựa chọn đúng đắn

- Thứ Năm, 05/11/2020, 06:00 - Chia sẻ
Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... đang xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, diễn biến bất thường hơn, không chỉ gây ra tổn thất nặng nề về người và tài sản mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của đất nước. Lo ngại trước thực tế này, trong phiên thảo luận hôm qua, các đại biểu Quốc hội một lần nữa khẳng định, đứng trước bài toán phát triển kinh tế - xã hội thì lựa chọn đúng đắn hơn cả vẫn phải là phát triển bền vững.

Chú trọng nguồn năng lượng xanh, sạch

ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đánh giá, hậu quả do thiên tai, bão lụt gây ra sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì phải giảm thiểu những tác hại do thiên tai và bảo đảm an toàn sinh mạng của người dân. Đây là yêu cầu vừa cấp thiết và lâu dài.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Đồng tình với giải pháp thứ tám về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được Chính phủ báo cáo Quốc hội trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, ĐB Phạm Thị Thu Trang cũng kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo phân tích, đánh giá và công bố thông tin chính thống về những nguyên nhân khách quan, chủ quan về biến đổi khí hậu, thời tiết phức tạp và khắc nghiệt. Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng các luồng thông tin còn khác nhau, chưa thống nhất trong nhận định về các nguyên nhân gây nên hậu quả nghiêm trọng về sạt lở, ngập lụt trong thời gian vừa qua; đồng thời, sử dụng kết quả phân tích nguyên nhân như kim chỉ nam trong hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến môi trường và đánh giá tác động môi trường.

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh thiên tai diễn ra với hậu quả nặng nề, hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nhận được yêu cầu phải phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều hoạt động kinh tế có tác động tiêu cực đến phát triển bền vững.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai nêu ví dụ, thời gian qua, hoạt động khai khoáng đã mang lại nguồn thu nhất định cho ngân sách nhà nước thông qua công cụ thuế. Năm 2019, số thu từ thuế tài nguyên là 36.774 tỷ đồng; năm 2020 ước thực hiện là 22.530 tỷ đồng. Nhưng cùng với những lợi ích kinh tế, hoạt động khai khoáng đã và đang tác động rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững như: Làm thay đổi cân bằng đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước; phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng; gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng; phá hủy nguồn sinh thái; dẫn đến phá hủy tài nguyên rừng; gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên không tái tạo.

Dẫn Báo cáo số 478 của Chính phủ gửi đến kỳ họp này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai chi rõ, trên phạm vi toàn quốc có 3.480 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 3.230 giấy phép khai thác và 250 giấy phép thăm dò. Điều đáng lưu ý là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra trên 30 tỉnh, thành trong cả nước. Báo cáo kết quả kiểm toán cũng cho thấy, những sai phạm xảy ra ở khâu thẩm định, cấp phép và kiểm soát trữ lượng khai thác. "Dẫu biết thiên tai thì là vô thường. Thiên nhiên là bất khả kháng. Nhưng rõ ràng trong đó có yếu tố từ phía con người. Chúng ta đã và đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người với thiên nhiên và cái giá phải trả là quá đắt… Nếu như đứng trước bài toán kinh tế thì sự lựa chọn đúng đắn hơn cả vẫn phải là phát triển bền vững”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Đề cập tới câu chuyện thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, bày tỏ đồng tình với quan điểm cho rằng, mặc dù thủy điện có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và có tính hai mặt, nhưng ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề: Lấy thước đo nào để khẳng định rằng mặt tốt là ưu việt còn mặt xấu chỉ là tạm thời? Trong khi đó, cứ nhìn vào thực tế thì thiệt hại vô cùng to lớn, nhãn tiền, đầy xót xa và không thể tính toán được.

Mấy năm trở lại đây, thực hiện yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, nhiều dự án thủy điện đã bị loại ra khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, đây là những dự án mà chúng ta nhìn thấy rõ nguy cơ còn phải nói rằng, trong tất cả dự án điện nói chung và dự án thủy điện đều có tiềm năng nguy cơ. Trong khi đó, nước ta có rất nhiều tiềm năng về năng lượng xanh, năng lượng sạch. Điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo, nước ta đều có rất nhiều tiềm năng để có thể thay thế các nguồn thủy điện. “Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quốc hội đều thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển. Vậy thì chúng ta hãy thực hiện đúng phương châm này trước khi đánh giá lại tất cả các vấn đề thì chúng ta kiểm nghiệm lại. Tôi không chống lại làm thủy điện nhưng phải làm thế nào để đất nước không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi", ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói. 

Xây dựng chỉ tiêu môi trường cụ thể

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét; nhiều chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong Báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, gọi là chỉ tiêu số 12. Đến nay, chỉ tiêu này cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, cử tri băn khoăn nếu chỉ dựa vào việc hoàn thành chỉ tiêu này thì đã phản ánh được tổng thể bức tranh bảo vệ môi trường chưa?

Theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh, mặc dù việc đưa ra chỉ tiêu này là cần thiết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường mà thực tiễn đặt ra. Bởi theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, từ Kỳ họp thứ Hai đến Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội Khóa XIV, có rất nhiều kiến nghị của cử tri tập trung vào các vướng mắc như chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt đô thị... Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc khác liên quan đến bảo vệ môi trường mà cử tri và nhân dân đang rất quan tâm, cần được giải quyết căn cơ trong thời gian tới chứ không phải chỉ tập trung vào chỉ tiêu số 12 như Báo cáo của Chính phủ. 

Vì thế, ĐB Nguyễn Tuấn Anh nêu ý kiến, Chính phủ cần chỉ đạo ngành kế hoạch và ngành tài nguyên môi trường rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, công khai những khu công nghiệp và khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để báo cáo Quốc hội và cử tri giám sát. Đồng thời, có giải pháp đầu tư hạ tầng để xử lý dứt điểm vấn đề này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét, bổ sung một số chỉ tiêu môi trường chủ yếu, phù hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Chỉ tiêu về tỷ lệ nước thải, thu gom, xử lý tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung; chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường. "Việc xây dựng những chỉ tiêu cụ thể này sẽ giúp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó giải quyết một cách tổng thể các vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường mà cử tri đang kiến nghị", ĐB Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Nhật An