Vượt bão giông đo “nhịp sống”
Trạm Thủy văn Môi trường Hà Nội và Trạm Thủy văn Sơn Tây nằm trong mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn quốc gia do Tổng Cục Khí tượng Thủy văn quản lý, các trạm này đều có nhiệm vụ quan trắc, đo đạc yếu tố mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa và quan trắc môi trường nước sông Hồng. Các trạm này đều nằm ở những vị trí hết sức quan trọng trong mạng lưới sông ngòi của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, công tác đo đạc theo chuyên môn có vai trò rất quan trọng đối với công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Theo Trạm trưởng Trạm Thủy văn Môi trường Hà Nội Hoàng Ngọc Vệ, những dữ liệu thu thập được từ các trạm quan trắc đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo thời tiết, đánh giá tình hình biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước. Nhờ vào thông tin chính xác và kịp thời sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng đưa ra những quyết định kịp thời trong trường hợp có các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, xây dựng phương pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, cũng là cơ sở cho công tác điều tra cơ bản đánh giá chất lượng môi trường nước của sông Hồng khu vực Hà Nội cũng như vùng hạ lưu.
Công việc quan trắc thủy văn luôn gắn liền với sông nước, ở trường hợp đặc biệt, khẩn cấp, có khi thời gian làm việc ở cơ quan cũng nhiều hơn ở nhà. Tuy nhiên, khi nói về nghề của mình, họ vẫn ngời lên trong ánh mắt một tình yêu pha lẫn sự tự hào. Họ thường nói với nhau rằng: “Phải có tình yêu với sông nước, mây mưa, gió… thì mới gắn bó được với nghề.
Sông nước lúc thì rất hiền hòa, dịu mát như người mẹ, cũng có khi dữ dằn, thịnh nộ. Nhưng ở thời điểm nào, dù nắng cháy hay bão giông, lũ lụt những người làm công tác quan trắc vẫn thường trực tình yêu với nghề. Công việc quan trắc không chỉ dừng lại ở việc ngồi phân tích số liệu, mà còn là cơ hội để con người kết nối sâu sắc hơn với môi trường. Tuy vậy, khi đi thực hiện công việc, quan trắc viên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi thời tiết diễn biến phức tạp.
“Để thực hiện tốt công việc của mình, những người quan trắc chúng tôi đã không ít lần phải đối mặt với bão lũ, vượt qua trở ngại tâm lý và hiểm nguy, bảo đảm mọi thông tin, giá trị quan trắc được truyền đi, hòa vào mạng lưới hệ thống thông tin khí tượng thuỷ văn quốc gia và chia sẻ số liệu quốc tế chính xác nhất”, anh Hoàng Ngọc Vệ chia sẻ.
Với hơn 30 năm công tác trong ngành khí tượng thuỷ văn, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Sơn Tây Nguyễn Siêu Hậu cho biết, nghề của chúng tôi cũng có nhiều khó khăn, vất vả, nguy hiểm cận kề, đặc biệt là trong các trường hợp trực, chuẩn bị cho các tình huống thời tiết, thủy văn đặc biệt như bão lũ… Nhiều cán bộ, quan trắc viên thường xuyên phải thức dậy từ sáng sớm, khi trời còn mờ tối, để kiểm tra các thiết bị đo đạc và ghi chép số liệu một cách cẩn thận. Vào những ngày lễ, Tết hay bão lũ, mưa giông họ vẫn lặng thầm thực hiện công việc theo dõi tình hình khí tượng thủy văn.
“Mặc dù, có khi không thể cùng gia đình đón Tết, nhưng chúng tôi luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình, vì mỗi bản tin không chỉ là con số mà còn là sự an toàn của cộng đồng. Đặc biệt hơn, chúng tôi luôn nhận được sự động viên và ủng hộ từ gia đình, người thân. Điều đó làm chúng tôi thấy ấm lòng, vững vàng hơn khi thực hiện nhiệm vụ”, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Sơn Tây Nguyễn Siêu Hậu bộc bạch.
Góp sức chút thôi cũng thấy tự hào
Nghề quan trắc cũng là nghề đặc thù, dù làm việc đơn lẻ nhưng có tính kỷ luật rất cao, mỗi ca trực phải cập nhật số liệu đúng giờ, nếu chậm là sẽ lỡ bản tin. “Tất cả các hoạt động, từ thu thập số liệu đến tổng hợp dữ liệu các trạm thủy văn… đều phải phối hợp nhịp nhàng để có bản tin định kỳ phục vụ nhân dân, bất kể ngày đêm, nắng mưa, giông bão hay ngày lễ, Tết. Mặc dù, áp lực công việc lớn, nhưng chúng tôi cảm thấy tự hào vì có thể đóng góp chút sức lực của mình cho xã hội. Mỗi khi thấy người dân an toàn trước thiên tai, chúng tôi biết rằng những nỗ lực của mình đã không uổng phí”, anh Nguyễn Siêu Hậu bộc bạch.
Chiều muộn, cũng là lúc quan trắc viên Trạm Thủy văn Sơn Tây Trần Thị Hồng Hạnh tất bật chuẩn bị dụng cụ đi “ốp” (thuật ngữ trong ngành Khí tượng thủy văn nói về các ca trực). Nói về công việc của mình, chị Trần Thị Hồng Hạnh cho biết, trước khi đi “ốp” quan trắc viên phải chuẩn bị thiết bị đo đạc, sổ ghi chép... Khi quan trắc mực nước thì quan trắc ở thủy chí, nhiệt độ nước thì đo bằng nhiệt kế cầm tay… Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Ở một số trạm ở vị trí đặc biệt, các quan trắc viên phải thường xuyên làm việc dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng với tình yêu nghề và trách nhiệm cao, họ vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chị Trần Thị Hồng Hạnh cũng cho biết, mỗi lần đi “ốp” là một lần chúng tôi được trải nghiệm và học hỏi thêm về thiên nhiên. Những con số khô khan trong sổ ghi chép của chị thực ra lại là những câu chuyện kể về sự biến đổi không ngừng của khí hậu và sức mạnh của thiên nhiên.
Mỗi ngày trôi qua, công việc của họ giống như một cuộc hành trình đầy cam go và thử thách. Dù có khó khăn thế nào, những quan trắc viên vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Họ hiểu rằng, mỗi con số, mỗi dữ liệu họ thu thập đều có ý nghĩa quan trọng trong việc dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống và tài sản của hàng triệu người dân.
Rời Trạm Thủy văn Sơn Tây, trở về Trạm Thủy văn Môi trường Hà Nội. Trạm có vị trí quan trắc khá đặc biệt. Trạm có tuyến đo mực nước khu vực trụ số 17 của cầu Long Biên, còn tuyến đo lưu lượng là ở bến Chương Dương Độ, cách trụ sở trạm gần 3km.
Theo chân các cán bộ quan trắc đến điểm đo lưu lượng ở bến Chương Dương Độ, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Môi trường Hà Nội Hoàng Ngọc Vệ hồ hởi kể, tháng 10 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công nhận Trạm Thủy văn Môi trường Hà Nội là Trạm có lịch sử quan trắc hơn 100 năm, ghi dấu chặng đường dài xây dựng và phát triển, cũng như đóng góp của trạm vào công tác dự báo, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đây là một niềm tự hào lớn lao đối với tất cả các nhân viên của trạm. Anh Hoàng Ngọc Vệ chia sẻ thêm rằng, sự công nhận này không chỉ là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ quan trắc viên, mà còn là động lực để trạm tiếp tục đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn.
Phó Trưởng trạm, Trạm Thủy văn Môi trường Hà Nội Phạm Thị Lan, chúng tôi cần đọc đạc các thông tin mực nước, quan sát hiện trạng mặt sông, bờ sông để ghi nhận nếu có điểm bất thường. Những năm trở lại đây, Trạm đã được đầu tư máy đo hiện đại hơn. Sau khi thả xuống nước, máy đo sẽ gửi số liệu quan trắc về máy tính trên thuyền. Vì vậy, thời gian đo cũng rút ngắn chỉ còn khoảng 15 phút thay vì 2 giờ đồng hồ như trước đây.
Mỗi quan trắc viên đều có những kỷ niệm, câu chuyện riêng của mình, nhưng nhìn từ một góc độ nào đó họ giống như những người dõi theo “xúc cảm”, đổi thay của dòng sông, khí tượng, của thiên nhiên. Công việc của các quan trắc viên gắn liền với thời tiết, nhưng trở ngại lớn có lẽ là thời tiết. Như chia sẻ của các quan trắc viên của Trạm Thủy văn Môi trường Hà Nội, khi Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, trong khi giông gió, mưa bão, ai nấy đều tìm chỗ trú an toàn, thì chúng tôi lại càng bận rộn hơn khi phải dõi từng diễn biến của thời tiết, cập nhật liên tục những thông số quan trọng phục vụ cho thông tin dự báo mới được phát đi.
Khi theo chân các quan trắc viên, tuy cuộc hành trình ngắn ngủi, nhưng đã giúp chúng tôi hiểu thêm về ý nghĩa của sự kiên trì, lòng dũng cảm và tình yêu đối với công việc. Những giọt mồ hôi, những đêm trắng và cả những nỗi sợ hãi đều là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của họ. Và điều đó khiến chúng tôi cảm thấy khâm phục và biết ơn vô cùng.
Chị Hạnh tâm sự rằng, mặc dù công việc có lúc nguy hiểm và đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhưng chị luôn cảm thấy tự hào vì những đóng góp nhỏ bé của mình có thể giúp cảnh báo sớm những hiện tượng thiên tai, bảo vệ cuộc sống của người dân. Niềm vui lớn nhất của chị là khi thấy những số liệu mình ghi nhận trở thành cơ sở để đưa ra các dự báo chính xác, giúp ngăn ngừa thiệt hại về người và của.
Trong ánh sáng mờ nhạt của buổi sớm, chúng tôi cùng chị hoàn tất công việc của ca trực. Những con số, những ghi chép tỉ mỉ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị Hạnh, như một người bạn đồng hành thầm lặng trong mỗi ca “ốp”. Câu chuyện của chị không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là biểu tượng cho sự kiên trì, nỗ lực và trách nhiệm của những người làm công tác quan trắc trên khắp đất nước.