Ngày càng có nhiều cơn bão tăng cường độ nhanh chóng do biến đổi khí hậu
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Giải pháp của ngành Khí tượng thủy văn trong thích ứng với biến đổi khí hậu” Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) TS. Hoàng Đức Cường cho biết, việc gia tăng các cơn bão mạnh cũng như tính bất thường của mùa bão có mối liên hệ đặc biệt tới biến đổi khí hậu.
Số lượng các cơn bão mạnh và có tính bất thường đã và đang có xu hướng tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Trên toàn cầu, bão cường độ trên cấp 15 (cấp 4 và 5) theo thang bão Saffir-Simpson đã xuất hiện thường xuyên hơn trong 40 năm qua; Cường độ gió cực đại trung bình của các cơn bão cũng có xu hướng gia tăng.
Cùng với đó, ngày càng có nhiều cơn bão tăng cường độ nhanh chóng, tăng 4-5 cấp trong vòng 24 giờ. Sự gia tăng nhanh chóng này đặc biệt nguy hiểm vì nó khiến thời gian cảnh báo và chuẩn bị ngắn hơn. Các cơn bão không chỉ trở nên mạnh hơn mà còn duy trì cường độ cao trong thời gian dài hơn.
"Xu hướng này đặc biệt dễ thấy ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi các cơn bão có thể duy trì ở mức cường độ mạnh lâu hơn so với trước đây", TS Hoàng Đức Cường nói.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, biến đổi khí hậu với xu thế nóng lên toàn cầu (cả khí quyển và nhiệt độ bề mặt nước biển) đã và đang tác động đến các điều kiện hình thành và phát triển của các cơn bão trên tất cả đại dương.
"Điều này đã thể hiện ở độ dài của mùa bão, tần suất hoạt động, cường độ mạnh nhất có thể đạt được, lượng mưa, tốc độ thay đổi cường độ và quỹ đạo chuyển động, sự tồn tại sau khi bão đổ bộ", PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Hoàng Đức Cường chia sẻ, lượng mưa do bão tăng và kéo dài hơn cũng là một điển hình của việc biến đổi khí hậu. Do độ ẩm trong khí quyển tăng, nhiệt độ toàn cầu ấm hơn, các cơn bão tạo ra nhiều mưa hơn, dẫn đến nguy cơ lũ lụt tăng lên. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy các cơn bão di chuyển chậm hơn khi đổ bộ vào đất liền, gây ra lượng mưa kéo dài và tác động đến lũ lụt ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Bão số 3 Yagi năm 2024 là một ví dụ điển hình, cơn bão này được xem là siêu bão trên Biển Đông với độ tăng cấp nhanh, gió mạnh, thời gian lưu bão lâu, mưa bão cường suất lớn và có tác động trên diện rộng, hầu như khắp Bắc Bộ bị ảnh hưởng.
Công tác khí tượng thủy văn đóng vai trò tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) TS. Hoàng Đức Cường khẳng định, công tác khí tượng thủy văn đóng vai trò tiên phong, hết sức quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo TS Hoàng Đức Cường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một tập hợp chuỗi các hành động vì khí hậu, trong đó hoạt động cảnh báo sớm các thiên tai là bước đầu tiên, quan trọng bậc nhất. Và việc thực hiện các cảnh báo sớm này thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn.
"Khí tượng thủy văn không chỉ cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà quan trọng hơn là triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Đây là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hướng đến một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn", TS Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cho biết, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động thực hiện kịch bản biến đổi khí hậu. Từ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng lần đầu tiên được công bố năm 2009, đến nay Việt Nam đã cập nhật kịch bản 3 lần vào năm 2012, 2016, 2020. Hiện Viện đang thực hiện xây dựng kịch bản phiên bản năm 2025, dự kiến phát hành cuối năm 2025.
Dựa trên tình hình thực tế của biến đổi khí hậu, kịch bản năm 2025 có một số điểm nổi bật như: Phương pháp cập nhật theo IPCC AR6 dựa trên kịch bản Chia sẻ kinh tế - xã hội SSP (thay vì RCP như năm 2020); Số liệu quan trắc trên lưới độ phân giải cao; Kết hợp đa mô hình độ giải cao mô phỏng khí hậu tương lai cho Việt Nam; Kịch bản chi tiết tới quy mô đô thị và cung cấp thông tin chi tiết hơn cho các mô hình đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành kinh tế; Xây dựng kịch bản theo các ngưỡng nóng lên toàn cầu; Tập trung xây dựng kịch bản cực trị như: Bão, hạn hán, nắng nóng...; Phối hợp với các cơ quan quốc tế, chia sẻ số liệu mô phòng và chức các hội thảo quốc tế phục vụ việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam.
Để ứng dụng hiệu quả kịch bản biến đổi khí hậu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân, cùng với sự hỗ trợ của các công cụ khoa học và công nghệ hiện đại.
"Việc triển khai các biện pháp thích ứng, giảm thiểu và nâng cao nhận thức là những yếu tố quan trọng để đảm bảo bền vững trong đối phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam", PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà nhận định.