Tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, Chương trình GDPT mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc thiết kế nội dung tích hợp ở các môn học cấp trung học cơ sở chưa hợp lý, vẫn chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, bộc lộ một số bất cập trong bố trí giáo viên giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và mục tiêu phân luồng sau trung học cơ sở.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 cho biết, ông được giao tiếp quản chương trình từ cuối năm 2016. Đến đầu năm 2017, trên cơ sở chọn lựa hồ sơ, Bộ GD-ĐT chọn ra Ban phát triển chương trình tổng thể gồm 18 người, trong đó có 14 người là chủ biên của 14 chương trình môn học.
GS Thuyết nhấn mạnh, việc chương trình GDPT xây dựng các môn học tích hợp trước hết nhằm thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh tới dạy học tích hợp.
Theo đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã ghi: “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.”
Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: “Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.
Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học. Ở cấp trung học phổ thông, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập.”
Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27.3.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng quy định rõ: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên.
Ở các lớp học, cấp học dưới, thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lí để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lí số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn.”
“Những điều này phù hợp với quy trình nhận thức của con người là đi từ những vấn đề tổng quát đến cụ thể và phù hợp với định hướng phát triển chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến”, GS Thuyết nhận định.
Theo GS Thuyết, dạy học tích hợp là yếu tố tất yếu của mô hình giáo dục phát triển năng lực học sinh, là xu hướng trên thế giới đã thực hiện từ vài chục năm nay.
Số nước có môn Khoa học tự nhiên thay cho 3 môn học riêng rẽ là Vật lí, Hoá học và Sinh học ở cấp THCS chiếm tỉ lệ cao trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền giáo dục phát triển như Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ, Xứ Wales,….. Bản thân tính chất phổ biến của môn học này tiếp tục xuất hiện trong những chương trình giáo dục phổ thông mới nhất của nhiều nước (Anh, Australia, Hàn Quốc, Singapore,…) cho thấy việc thiết kế môn học Khoa học tự nhiên ở THCS trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam là lựa chọn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Việc tích hợp Lịch sử và Địa lí thành một môn học (Lịch sử và Địa lí/Khoa học xã hội/Nghiên cứu xã hội) không phổ biến trên thế giới như môn Khoa học tự nhiên, nhưng cũng đã thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore, …
Bên cạnh đó, dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng; phát triển được năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.
“Cần phải dạy học tích hợp để đổi mới giáo dục tập trung phát triển phẩm chất và năng lực người học. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam đã cho thấy, dạy học tích hợp giúp cho việc học tập của học sinh gắn liền với thực tiễn hơn, giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết.” GS Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ở cấp THCS hiện có 2 môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Môn Khoa học tự nhiên gồm 4 chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất (thiên về kiến thức Hóa học); Năng lượng và sự biến đổi (thiên về kiến thức Vật lí); Vật sống (thiên về kiến thức Sinh học); Trái Đất và bầu trời (thiên về kiến thức Vật lí, có một phần kiến thức Sinh học). Cấu trúc này tương tự cấu trúc môn Khoa học tự nhiên của nhiều nước.
Môn Lịch sử và Địa lí gồm hai phân môn Lịch sử, Địa lí; mỗi phân môn có tính hệ thống tương đối, phù hợp với đặc trưng của mình; nhưng những kiến thức liên quan được đặt cạnh nhau, soi sáng và hỗ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, môn học này còn có 5 chủ đề tích hợp cao giữa kiến thức lịch sử và kiến thức địa lí. Cấu trúc này bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 113 (về chất vấn, trả lời chất vấn) của Quốc hội khóa XIII: giữ tên môn Lịch sử trong chương trình GDPT; đồng thời cũng tương tự cấu trúc môn Khoa học xã hội của nhiều nước.
PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, Giám đốc đầu tiên của Chương trình phát triển các trường sư phạm (ETEP) khẳng định việc chuẩn bị Chương trình GDPT 2018, cũng như các quan điểm về dạy học phát triển năng lực, dạy học tích hợp không nóng vội.
“Không phải Bộ GD-ĐT không chuẩn bị, không phải Bộ GD-ĐT bị động trước các tình huống, mà tất cả mọi thứ đều đã chủ động từng bước. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế triển khai đã có một số vấn đề từ thực tiễn mà chúng ta cần giải quyết”, PGS Hồng khẳng định.
PGS Hồng cho biết, vấn đề dạy tích hợp trong chương trình giáo dục Việt Nam thực tế đã được nghiên cứu từ những năm 1985, tới năm 1987 có đề tài đầu tiên nghiên cứu về dạy tích hợp của Viện Khoa học dục Giáo dục Việt Nam.
Những năm 1991-1996, chúng ta đã tiến hành thử nghiệm những nghiên cứu về tích hợp ở trường tiểu học, trường THCS và trường THPT. Sau quá trình thử nghiệm này, Bộ GD-ĐT đã quyết định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ thực hiện tích hợp ở cấp tiểu học. Các môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong đó môn Khoa học tự nhiên đã tích hợp kiến thức vào môn Tự nhiên xã hội.
Bộ GD-ĐT đã xem xét việc dạy tích hợp ở cấp THCS. Tuy nhiên, xét về thực tế thời điểm đó, giáo viên học cao đẳng cũng được đào tạo để dạy hai môn, nhưng phần lớn giáo viên lại dạy đơn môn. Điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện giáo viên chưa đủ để triển khai những môn tích hợp ở bậc THCS. Do vậy, Bộ quyết định Chương trình GDPT 2006 chỉ dạy một số chủ đề tự chọn ở bậc THCS và có theo hướng tích hợp liên môn. Đặc biệt, đã tích hợp sâu 3 phân môn là Văn, Tiếng Việt và Làm văn thành một môn là Ngữ văn.
Theo PGS Hồng, ở giai đoạn tiếp theo, sau khi Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội được ban hành, chúng ta tiếp tục có rất nhiều đề tài nghiên cứu, các dự án phát triển giáo dục tiểu học, THCS, THPT; trong đó có nhiều đề tài cấp Bộ nghiên cứu về tích hợp, đặc biệt tập trung vào 2 nhóm là tích hợp môn Khoa học tự nhiên và tích hợp môn Khoa học xã hội, có thử nghiệm trong nhà trường.
Năm 2011, Bộ GD-ĐT có Công văn 5842, trong đó có hướng dẫn các nhà trường điều chỉnh các nội dung dạy học của Chương trình GDPT 2006 theo hướng giảm tải (mà để giảm tải được thì phải tích hợp). Đến năm 2015, Cục Nhà giáo đã đưa bồi dưỡng dạy học tích hợp ở nhà trường phổ thông vào trong chương trình và đưa chương trình này đi bồi dưỡng trên toàn quốc.
Tháng 7.2018, Chương trình GDPT 2018 được ban hành. Từ đó đến thời điểm triển khai vào năm 2021 với sách giáo khoa tích hợp, định hướng tích hợp liên môn đã thể hiện rất rõ trong chương trình.
Bộ GD-ĐT đã có nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo sát sao như Công văn 5512, 5555, 2613, 1496,... Tất cả công văn này đều gắn với việc triển khai nhiệm vụ năm học cũng như triển khai hướng dẫn dạy học chương trình của từng năm học.
“Tôi nghĩ rằng ở nhà trường phổ thông, nếu các thầy cô quản lý bám sát nội dung chỉ đạo của những Công văn này và giáo viên cũng tích cực, nhiệt tình thì dạy học tích hợp không có gì là khó”, PGS Hồng nói.
Nhóm Phóng viên