Thực tế này được Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập phản ánh tại cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hồi đầu tháng 9 vừa qua. Theo đó, kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội, địa phương vào trung tuần tháng 8 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất. Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường. Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" đã tăng khoảng 20-30%; tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp. Điển hình như tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định - những địa phương thuộc vùng dịch nhưng đến cuối tháng 8.2021 mới có khoảng 15-20% người lao động được tiêm vaccine.
Chính phủ đã có chủ trương chuyển hình thái phòng chống dịch từ chiến lược “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, trong đó có mục tiêu bảo đảm sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội... là tín hiệu vui cho toàn xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ.
Phản ánh thêm về những khó khăn của ngành, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trong 3 tháng gần đây, trị giá xuất khẩu đã giảm đáng kể. Riêng tháng 8 ước giảm hơn 22% so với tháng 7. Thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật để kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước…
Không lâu sau, tại Hội nghị Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 29.10, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu 14,5 tỷ USD về xuất khẩu gỗ và lâm sản của năm nay sẽ đạt được vì dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố; nhiều địa phương đã từng bước mở cửa và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chi phí xét nghiệm; môi trường lưu trú của người lao động; việc tiếp cận vaccine. Cụ thể, một chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, khảo sát nhanh trong tháng 8 đối với cộng đồng các doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản cho thấy các kiến nghị tập trung vào 3 nhóm chính là y tế, lao động và nguyên liệu. Với khía cạnh y tế là làm thế nào có thể tiếp tục hoạt động nếu doanh nghiệp có F0; cần có quy trình thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thực hiện nhất quán. Liên quan đến lao động, doanh nghiệp kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ để tiếp cận với nguồn lao động. Về nguyên liệu, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng đứt gãy trong khâu vận chuyển đầu ra cũng như đầu vào sản phẩm...
Thực tế, Nghị quyết số 128 của Chính phủ là tiền đề quan trọng để khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch, chiến lược để phục hồi sản xuất. Việc huy động nguồn lao động, nguyên liệu đầu vào cũng đã được các doanh nghiệp quan tâm, chủ động thực hiện; việc duy trì các đối tác, bạn hàng để bảo đảm cung cấp sản phẩm theo đơn hàng cũng đã được đặt ra. Đây là nỗ lực rất lớn, tuy nhiên, thời gian tới các doanh nghiệp cần nhận diện đúng tình hình và các cơ hội để xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể nhằm phục hồi và phát triển trong tình hình mới, tạo động lực thúc đẩy ngành chế biến gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng ổn định, bền vững.