Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước ta tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.
Ở trong nước, dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế đó, Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận các nhóm nội dung chính là làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới. Chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và các tác động.
Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế nước ta năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2023. Nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn...
Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15. Các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 cũng như một số nghị quyết liên quan... trong đó làm rõ những kết quả và những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm.
Phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển, đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực. Kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới. Làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội...
Phân tích cụ thể hơn những khó khăn, thách thức mà nước ta đã, đang và sẽ đối mặt thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dù năm 2023, về tổng thể từ đầu năm đến thời điểm này, những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội được bảo đảm, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được quan tâm thực hiện…
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nền của đại dịch Covid-19, trong nội tại nền kinh tế đang tồn tại những số "điểm nghẽn". Một số động lực tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, cả về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ.
Hơn nữa, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, phải kiến tạo những động lực mới, đưa ra các đề xuất để giải quyết triệt để các vấn đề, từ đó có động lực tăng trưởng mới và phát triển bền vững. Đồng thời, đưa ra những dự báo về tác động, từ đó có biện pháp, chính sách phù hợp để thích ứng với bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực. Phải đánh giá lại những biện pháp, giải pháp đặt ra không chỉ cho năm 2023 mà cho cả kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025...
Như vậy, về tổng thể, bức tranh kinh tế nước ta vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, vấn đề đặt ra là phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn cũng như giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài nhằm tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Và những ý kiến tại Diễn đàn năm nay sẽ góp phần đưa ra góc nhìn toàn diện hơn, có nhiều giải pháp, đề xuất chất lượng và gợi ý chính sách đúng và trúng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cứu xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới.