Xử phạt 12 cơ sở vi phạm
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Đặng Thanh Phong, thực phẩm an toàn có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khoẻ con người và chất lượng cuộc sống cũng như về lâu dài, đối với phát triển giống nòi của dân tộc.
Tại Hà Nội, công tác quản lý ATTP đã được chú trọng, đặc biệt các BATT đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những năm qua vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, nguyên nhân chủ yếu là thực hiện các quy định về ATTP bảo đảm, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người tham gia chế biến còn hạn chế.
Năm 2022, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP tại BATT trường tiểu học thuộc 5 quận; 5 huyện trên địa bàn Hà Nội với mục tiêu tăng cường kiểm soát ATTP tại BATT nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, khống chế không để ngộ độc thực phẩm đông người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Về kết quả sau 2 năm triển khai mô hình, Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết, năm 2022, thành phố đã xây dựng mô hình “Kiểm soát ATTP BATT trường tiểu học tại 5 quận, 5 huyện trên địa bàn Hà Nội” với tổng số 215 trường tiểu học tham gia. Qua triển khai, 214 trường (tại các quận huyện Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai) có BATT tham gia mô hình. Trong đó, tự nấu có 17 trường (7,9%); thuê nhà thầu nấu ăn tại trường tại 134 trường (62,6%); mua suất ăn sẵn có 63 trường (29,4%).
Trong 214 trường có 237.470 học sinh, kết quả triển khai ban đầu kiến thức, thực hành của người lãnh đạo quản lý về ATTP đạt tỷ lệ 93,4%; người tham gia chế biến thực phẩm tỷ lệ đạt 94,5%; điều kiện cơ sở tại bếp ăn tập thể đạt 84,7%.
Trong 2 năm 2022 - 2023, thành phố đã tổ chức 3 đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 31 bếp ăn tập thể trường tiểu học và 24 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 5 quận, 5 huyện triển khai mô hình.
Về điều kiện thực tế, có 28/31 cơ sở đạt (tỷ lệ 90,3%); còn 3/31 cơ sở (9,7%) BATT tồn tại về cơ sở vật chất như khu vực kho sắp xếp lộn xộn, cơ sở vật chất xuống cấp, chế độ vệ sinh chưa bảo đảm, thùng rác chưa có nắp đậy, còn côn trùng trong khu vực chế biến, chưa bố trí phòng riêng để giao nhận suất ăn.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các BATT trường tiểu học và các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm đã tiến hành lấy 220 mẫu, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Kết quả, có 16 mẫu nhiễm vi khuẩn. Các đoàn kiểm tra đã kiểm tra truy xuất nguồn gốc 24 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho BATT.
Tại tuyến quận, huyện, 214/214 cơ sở (tỷ lệ 100%) được kiểm tra; trong đó, 202 cơ sở đạt điều kiện ATTP theo quy định, chiếm tỷ lệ 94,4%. Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra, giám sát đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP hơn 241 triệu đồng/12 cơ sở, nhắc nhở tại chỗ 198 cơ sở.
Trong 2 năm triển khai mô hình ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm, với 72 học sinh mắc, không có tử vong, nguyên nhân do vi sinh. 214 trường có ghi chép sổ theo dõi ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, đã xây dựng được phương án xử lý, phân công nhiệm vụ cụ thể, phương án khắc phục sự cố.
Tăng cường phối hợp, nhân rộng mô hình
Sau 2 năm triển khai mô hình “Kiểm soát ATTP tại BATT trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn TP. Hà Nội”, công tác triển khai mô hình nhận được sự đồng thuận của các cấp, ngành và nhà trường, cơ sở kinh doanh thực phẩm và đặc biệt được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại như việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho BATT chưa được triển khai thường xuyên và đến tận cơ sở nuôi trồng, giết mổ. Điều kiện vật chất của một số trường xuống cấp nhưng chưa cải tạo nâng cấp kịp thời, nhân viên tham gia chế biến thực phẩm chưa chấp hành đầy đủ chế độ vệ sinh cá nhân theo quy định.
Để tăng cường công tác quản lý ATTP, kiểm soát được các nguyên liệu đầu vào, nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực trong công tác quản lý ATTP, tại hội nghị, các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp những ý kiến thiết thực xây dựng hệ thống quản lý về ATTP và tìm ra các giải pháp trong công tác quản lý ATTP.
Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long đánh giá cao công tác bảo đảm ATTP của Hà Nội theo trọng tâm, trọng điểm hàng năm để từ đó nhân rộng ra toàn thành phố. Tuy nhiên, toàn thành phố cần có kế hoạch nhân rộng các mô hình tới các quận, huyện còn lại. Từ đó, rút ra các kinh nghiệm, nhân rộng mô hình đạt hiệu quả để hướng dẫn các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình triển khai thanh kiểm tra, nêu cao trách nhiệm và sự quan tâm của hiệu trưởng các trường với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
“Đây là một nội dung quan trọng về công tác bảo đảm an ninh ATTP của Trung ương. Việc bảo đảm ATTP trong trường học liên quan đến bữa ăn học đường và phát triển thể chất, sức khoẻ tinh thần cho thế hệ mầm non tương lại của đất nước” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh.
Song, thực tế quá trình kiểm tra các trường học vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại. Do đó, cần chú ý làm rõ một số nội dung, các cơ quan quản lý cần phối hợp "rõ người rõ việc", kế hoạch liên ngành phối hợp. Xây dựng mang tính nguyên tắc một cách thống nhất về mặt chuyên môn tạo thuận tiện khi nhân rộng các mô hình. Các cấp chính quyền, trong đó có Phòng Y tế, Phòng Giáo dục, các trường học có sự phối hợp chặt chẽ để nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình.