Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đã tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện; giảm chi ngân sách nhà nước 2.008,63 tỷ đồng. Việc sắp xếp cơ cấu lại cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, đồng thời mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, quá trình triển khai việc sắp xếp cũng bộc lộ một số tồn tại. Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 còn một số hạn chế như: chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời.
Để khắc phục tồn tại này, trong đó có vấn đề chất lượng ĐVHC đô thị, trong dự thảo Nghị quyết lần này đã dành một điều riêng quy định về sắp xếp ĐVHC đô thị, trong đó quy định cụ thể các trường hợp sắp xếp ĐVHC đô thị gồm: Nhập nguyên trạng ĐVHC cấp huyện, cấp xã vào ĐVHC đô thị cùng cấp; điều chỉnh một hoặc một số ĐVHC cấp xã thuộc ĐVHC cấp huyện để nhập vào ĐVHC đô thị cấp huyện; điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của ĐVHC cấp xã để nhập vào phường, thị trấn hoặc chia một ĐVHC cấp xã để nhập vào các phường, thị trấn.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết đã có sự điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị hình thành sau sắp xếp theo hướng yêu cầu cao hơn so với giai đoạn 2019 - 2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13. Nghị quyết số 653 không tính đến tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp là phường, thị trấn; còn đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì chỉ yêu cầu đánh giá đạt từ 50% trở lên tiêu chuẩn nêu trên của loại đô thị hiện có. Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết lần này quy định, phải đạt 70% tổng số điểm tối thiểu của tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị (đối với thành phố, thị xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp), đạt trên 80% tổng số điểm tối thiểu của tiêu chí vị trí chức năng, vai trò và tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị (đối với thành phố, thị xã, thị trấn thuộc diện khuyến khích) hoặc đạt trên 60% số lượng các tiêu chuẩn (đối với quận, phường).
Để bảo đảm chất lượng của ĐVHC đô thị và khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC gắn với mở rộng không gian phát triển đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị trong từng giai đoạn là thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần giải trình làm rõ, cơ sở của việc đề xuất mức độ đáp ứng 60%, 70%, 80% tổng số điểm tối thiểu của các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng đô thị như trong dự thảo Nghị quyết.
Thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy, với các quy định mang tính khuyến khích việc sắp xếp thì chất lượng đô thị ở các ĐVHC được thành lập trên cơ sở sáp nhập ĐVHC nông thôn vào đô thị chưa được bảo đảm. Do đó, để khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí, thì việc ưu tiên, khuyến khích các địa phương trong việc sắp xếp ĐVHC chỉ nên dừng ở việc cho phép đơn giản hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ. Việc sắp xếp ĐVHC thuộc diện khuyến khích thì ĐVHC đô thị sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của ĐVHC tương ứng theo quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, về phân loại đô thị.
Sắp xếp ĐVHC là rất cần thiết, nhưng điều quan trọng là việc sắp xếp phải đảm bảo nâng cao chất lượng. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh: sắp xếp không phải là để sắp xếp mà mục tiêu cuối cùng là để nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước.