Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ NGUYỄN THỰC HIỆN: Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân
Công tác xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” đã tạo chuyển biến tích cực về nhân cách, tâm hồn, thể chất, gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện tốt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ xác định văn hóa có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của Nhân dân, vừa là nguồn lực nội sinh vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh, bền vững. Do đó, thời gian qua, hoạt động văn học - nghệ thuật đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Thành phố chú trọng bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; thường xuyên tổ chức các sân chơi, các chương trình giao lưu, nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển văn hóa của Đảng; định hướng chính trị, tư tưởng, thẩm mỹ phù hợp và tạo điều kiện cho mọi tầng lớp xã hội được tham gia hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giữ vai trò nòng cốt trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh, giữ vai trò quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố. Đến nay, phong trào phát triển ngày càng sâu rộng; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được hoàn thiện; các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố được bảo tồn, phát huy. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển sôi nổi ở nhiều địa phương, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước trên địa bàn TP. Cần Thơ thời gian qua, tôi cho rằng Hội thảo là diễn đàn để tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao về việc thực hiện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Để huy động tốt các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, từng cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống; xây dựng môi trường học đường thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh: nâng cao nhận thức và xây dựng nét văn hóa ứng xử, giao tiếp trong đời sống cộng đồng; đề cao lối sống văn hóa, nếp sống văn minh, quan hệ cộng đồng thân thiện, nhân ái.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh ĐÀO THỊ ANH NGA: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng
Tôi cho rằng chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” được lựa chọn cho Hội thảo Văn hóa năm 2024 thực sự trọng tâm, trọng điểm những vấn đề về văn hóa đang được Đảng, Nhà nước và đông đảo Nhân dân quan tâm... Đây cũng là bước đi thiết thực, bài bản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là những mục tiêu, nhiệm vụ mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Hội thảo cũng góp phần cụ thể hóa các nội dung, định hướng, vấn đề được khơi gợi tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo về văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức.
Thực tế, trong các nội dung của xây dựng và phát triển văn hóa, con người thì thiết chế văn hóa, thể thao là một trong nội dung rất quan trọng. Bởi, đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao hằng ngày của Nhân dân; đồng thời, phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, cho chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của Nhân dân… Do vậy, tôi cho rằng, chủ đề Hội thảo năm nay sẽ góp phần bàn thảo, tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong tất cả các khâu từ đầu tư, xây dựng đến quản lý, sử dụng các thiết chế phù hợp, hiệu quả.
Tin tưởng và kỳ vọng, qua hội thảo lần này, các đại biểu sẽ đánh giá tổng quát, chính xác những chính sách và nguồn lực dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua… Từ đánh giá đó, các chuyên gia, các đại biểu sẽ đề xuất những chính sách và nguồn lực tiếp theo dành cho các thiết chế này. Nhất là trong thời gian vừa qua, những đầu tư dàn trải hoặc chưa thực sự hiệu quả cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn để có sự điều chỉnh kịp thời… Đặc biệt, tôi cũng kỳ vọng, tại hội thảo này sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa và vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao; đồng thời, sẽ khẳng định vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong phát triển bền vững đất nước… Những góp ý tại Hội thảo sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình hoạch định các chính sách về thiết chế văn hóa, thể thao trong giai đoạn mới.
Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Thắng: Đề ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả
Hội thảo Văn hóa là sự kiện đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tôi mong rằng, Hội thảo sẽ đề ra được các giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao nhằm phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ TP. Hà Nội xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là "Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Để cụ thể hóa Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06 về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025"; Nghị quyết số 09 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Xác định tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, cấp huyện, xã; đồng thời, hàng nghìn nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả, vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao trong đời sống Nhân dân Thủ đô, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Phiên giải trình là cơ hội để cả hệ thống chính trị Thủ đô đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện, xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.
Ngay sau phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố, lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực khi UBND thành phố và toàn bộ hệ thống chính trị Thủ đô đã chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn; tập trung ưu tiên bổ sung, bố trí nguồn vốn, quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, nhất là các công trình văn hóa phục vụ thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp...
Luật gia PHẠM VĂN CHUNG - Sở Tư pháp, tỉnh Kon Tum: Sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ Tổ quốc
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển. Do đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đã được đề cập từ lâu.
Việc tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" rất thiết thực. Để hội thảo đạt hiệu quả, tôi cho rằng các đại biểu nên tập trung thảo luận và đưa ra được định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian tới. Trong đó, phải giải quyết vấn đề về xung đột nhằm làm hài hòa lợi ích, bảo đảm các bên cùng có lợi trong tiến trình xây dựng văn hóa. Điều này không chỉ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với bản sắc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn của đất nước, mà còn tiếp thu tinh hoa văn hóa tiên tiến của nhân loại; đồng thời, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Xây dựng được chính sách tốt, chặt chẽ về thiết chế rất quan trọng, góp phần xây dựng nền văn hóa tiến bộ nhưng vẫn chứa đựng bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.