Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” năm 2024, UBND huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã ban hành Kế hoạch số 278, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, công tác trọng tâm của từng phòng, ban và UBND các xã, thị trấn để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”.
Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với lãnh đạo các xã, thị trấn tập trung vào công tác tuyên truyền đến các chủ thể tiềm năng và có điều kiện đăng ký phân hạng sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể nắm vững quy định, quy chuẩn, hoàn thiện hồ sơ khi đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời, Phòng NN&PTNT thường xuyên cập nhật và triển khai các văn bản có liên quan Chương trình OCOP của Trung ương, tỉnh An Giang và các chính sách có liên quan đến các chủ thể OCOP, trong đó, chú trọng đề xuất ý tưởng sản phẩm, khởi đầu lan tỏa ra cộng đồng.
Song song với công tác tuyên truyền, đơn vị làm tốt công tác hỗ trợ các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP, như: phân công cán bộ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục, trình bày ý nghĩa nội dung cho các chủ thể tham gia chương trình; hướng dẫn cơ sở khắc phục hạn chế sai sót mà Hội đồng đánh giá phân hạng đã chỉ ra, nhằm khắc phục và hoàn thiện hơn chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì...
Một tấm gương điển hình về quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Phú Tân là bà Châu Thị Thúy Diễm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế Biến Thuỷ Hải Sản Thanh Tùng (xã Phú Bình, huyện Chợ Mới). Gia đình bà làm nghề nông, bản thân bà là giáo viên, tuy nhiên, năm 2008, từ nghề nuôi cá thát lác của gia đình, bà Diễm mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, chế biến thành các sản phẩm đưa ra thị trường. Hiện các sản phẩm chả cá thát lác tươi, cá thát lác rút xương và lạp xưởng chả cá thát lác đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Bà Châu Thị Thúy Diễm, chia sẻ: “Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như một giấy thông thành uy tín để sản phẩm vào siêu thị, đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thủ tục cũng như những chính sách hỗ trợ cho chủ thể làm sản phẩm OCOP còn nhiều giấy tờ, cần đơn giản hóa để các chủ thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn đầu tư máy móc, đầu tư bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Hiện nay sản phẩm cá thát lát của bà Diễm đã có mặt ở nhiều siêu thị. Mỗi tháng, công ty bà Diễm cung cấp ra thị trường 3-4 tấn sản phẩm, thu nhập bình quân trên một tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 14 – 20 lao động. Bình quân mỗi lao động thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Theo báo cáo Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, trong năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện cấp chứng nhận cho 2 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm dưa lưới công nghệ cao Bình Thành Đông và bưởi da xanh. Luỹ kế đến nay huyện Phú Tân có 11 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: rượu dâu tằm, nước cốt dâu tằm, siro atiso, chả cá thát lát, chả cá thát lát rút xương, lạp xưởng cá thát lát, kem trái cây vị sầu riêng, cà na xí muội, bánh ngũ cốc, dưa lưới, bưởi da xanh.
Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm tiềm năng đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá trong năm 2025, như: Rượu tim sen, Nếp, Bột trái nhàu, Nước cốt trái nhàu, muối tôm, bánh kẹp xếp, cốm mì chà bông.
Đạt được kết quả như trên, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo Sở NN&PTNT và Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thực hiện Chương trình OCOP. Và đặc biệt là Thường trực Huyện Ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND xã, thị trấn triển khai chương trình đi vào trọng tâm, trọng điểm.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến nhấn mạnh: “Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các sản phẩm không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và lợi thế cạnh tranh”.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân thông tin, để hỗ trợ các sản phẩm OCOP địa phương mở rộng ra thị trường, đơn vị giới thiệu các phiên chợ thương mại cấp huyện và phiên chợ OCOP An Giang và các hội chợ trong và ngoài tỉnh An Giang để các chủ thể tham gia giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, để các chủ thể OCOP vững vàng hơn khi bước ra thị trường, địa phương sẽ kiến nghị cấp tỉnh, cấp Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho các chủ thể OCOP, như: chi phí vận chuyển sản phẩm khi tham gia các hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh; chính sách hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở chế biến, kho chứa, hạ tầng cho vùng nguyên liệu... Vì đây là những chính sách thiết thực mà các chủ thể OCOP 3 sao rất cần hỗ trợ.