Nhu cầu tín dụng xanh rất lớn
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 trong giai đoạn 2021 - 2050, nước ta cần huy động thêm 144 tỷ USD ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tương đương với 2,2% GDP. Đây là vấn đề không đơn giản, và tín dụng xanh chính là chìa khóa.
Thực tế, giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng xanh đã có sự tăng trưởng mạnh, với mức bình quân hơn 23%/năm và cao hơn mức độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 15%), bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, thông tin tại hội thảo "Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh" do Báo Đầu tư phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức sáng 4.12.
Cụ thể, tính đến 30.9.2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, con số dư nợ tín dụng cho tăng trưởng xanh có thể còn lớn hơn bởi Ngân hàng Nhà nước đưa ra 12 lĩnh vực xanh từ năm 2017 - đến nay đã lạc hậu, trong khi hiện vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh. Khi ban hành được danh mục này, rất có thể nhiều khoản vay của các ngân hàng sẽ là tín dụng xanh và tỷ lệ dư nợ tín dụng xanh sẽ còn tăng lên.
Chia sẻ với ý kiến trên, Phó Tổng giám đốc tư vấn, dịch vụ tài chính ngân hàng, Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam Võ Quốc Khánh bình luận, các ngân hàng ở Việt Nam mới chỉ chuẩn bị cho tín dụng xanh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hiện dư nợ tín dụng xanh lên gần 5% tổng dư nợ và có mức tăng trưởng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung là kết quả rất đáng khích lệ. Nếu xu hướng này tiếp tục thì tỷ lệ cho vay xanh trong nền kinh tế sẽ còn lớn hơn nhiều.
So sánh với các ngân hàng ở châu Âu đạt tín dụng xanh gần 8%, ông Khánh tin tưởng, room cho tín dụng xanh ở Việt Nam sẽ còn rất lớn trong thời gian tới. Xét về cơ cấu, tỷ lệ cho vay xanh hiện mới chỉ tập trung vào năng lượng xanh (năng lượng tái tạo) và nông nghiệp, trong khi theo danh mục của Ngân hàng Nhà nước có 12 ngành, lĩnh vực xanh và còn rất nhiều nhu cầu đến từ ngành giao thông vận tải, xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng…, đồng nghĩa nhu cầu tín dụng xanh là rất lớn.
5 lĩnh vực cần ưu tiên tín dụng xanh
Tuy vậy, tín dụng xanh đang gặp nhiều rào cản, do hiện vẫn chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng…
Từ thực tế đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, về phía Nhà nước, cần có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Đối với các tổ chức tín dụng, cần xác định hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh là xu thế, yêu cầu để hướng đến phát triển bền vững, từ đó lồng ghép phát triển xanh trong định hướng, xây dựng chiến lược kế hoạch kinh doanh của tổ chức tín dụng. Song song với đó, cần đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về môi trường, nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng xanh, huy động tài chính xanh.
Về phía doanh nghiệp thực hiện dự án xanh, cần phối hợp cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường liên quan để được tổ chức tín dụng thẩm định cho vay thực hiện dự án, kiểm soát chất lượng khoản vay; đồng thời khách hàng nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.
Theo ông Võ Quốc Khánh, hoạt động tín dụng xanh của các ngân hàng ở Việt Nam hiện mới chỉ tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp ngành “xanh” như năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh, trong khi các ngành “nâu” có nhu cầu chuyển đổi sang xanh cũng rất cần vốn tín dụng. Do vậy, cần quan tâm tới những dự án này, nếu không sẽ khó đạt cam kết Net Zero.
Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng gợi mở, để thúc đẩy tín dụng xanh, cùng với hoàn thiện khung pháp lý, rất cần vai trò tiên phong của Chính phủ trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh. Khi đó sẽ tạo nguồn tài chính xanh trên thị trường trái phiếu, qua đó kích thích toàn bộ nền kinh tế.
Cũng theo ông Hùng, trước mắt, các lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam nên là những ngành có tác dụng tích cực đến khí hậu và môi trường, đồng thời có khả năng tạo ra lợi nhuận. Cụ thể, thứ nhất là ngành năng lượng tái tạo; thứ hai là ngành nâng cao hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (cụ thể là các ngành xi măng, sắt thép, xây dựng tòa nhà tiết kiệm năng lượng…); thứ ba là ngành nông nghiệp xanh, du lịch xanh; thứ tư là giao thông đô thị; thứ năm là ngành tiêu dùng bền vững.