Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ĐBQH Hoàng Đức Thắng nêu quan điểm: Phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ động “từ sớm, từ xa” nhưng thực tế quá trình chuẩn bị các dự án luật, Nghị quyết, đề án trình Quốc hội đang còn nhiều bất cập: việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh còn nhiều so với chương trình chính thức, việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến… “Yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có điều chỉnh, bổ sung hay do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện…”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ.
Cũng theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, một số dự án luật trình, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp này được gửi đến ĐBQH rất muộn, không bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia góp ý kiến vào các dự án luật của ĐBQH và Đoàn ĐBQH.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng cho rằng, việc một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung, cần phải nghiêm túc rà soát, đánh giá và có giải pháp căn cơ để khắc phục, không né tránh, không nể nang.
Liên quan đến 3 dự án luật đề nghị bổ sung vào Kỳ họp thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy, đó là Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ), ĐBQH Hoàng Đức Thắng cho rằng: Cần làm rõ, lý giải rõ cơ sở, nhất là những điểm mới, điểm khác so với trước đây trên cơ sở phải thực sự khoa học và thuyết phục cả về cơ sở chính trị, lý luận thực tiễn, nội hàm của các điều luật. Có như vậy mới có sự đồng thuận cao trong ĐBQH và dư luận xã hội, cũng như sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.