Đây là một nội dung rất mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mở đường để chủ trương trở thành quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đột phá một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”;“Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể.Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(1).
Bác cũng dặn, trong đánh giá, lựa chọn cán bộ phải trọng dụng cán bộ năng động, sáng tạo; phải hết sức tạo điều kiện cho cán bộ đột phá, đổi mới, cống hiến vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Khuyến khích cán bộ “Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”
Ứng vào sự nghiệp cách mạng, nhất là công cuộc đổi mới hiện nay, như lời Bác dạy, muốn không “lỗ vốn” thì người cán bộ phải đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào người cán bộ mạnh mẽ loại cái cũ, dám đứng mũi chịu sào, dám làm những việc chưa có tiền lệ, việc mới, việc khó thì mới tạo ra sự chuyển biến tích cực.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để có thể thực hiện được những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước nêu trên, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có bước đột phá về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(2). Đây là quan điểm nổi bật, mang tính đột phá chiến lược, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tâm đắc và đánh giá cao. Bởi vì, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh… đã khó, mà xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung còn khó khăn và phức tạp gấp bội lần. Do đó, chủ trương xây dựng cơ chế tổng thể, đồng bộ, đủ mạnh để khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, đột phá, phát huy được trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của cán bộ là thật sự cần thiết.
Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ; trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của các ngành, địa phương. Xét đến cùng, đây là cơ chế tạo động lực cho bước bứt phá, thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực đất nước nói chung, đội ngũ cán bộ của Đảng nói riêng; khẳng định vai trò, sứ mệnh là chủ thể của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Hay nói cách khác, để bước tiếp chặng đường đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển, cần lắm những cán bộ tài giỏi, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì nhân dân. Hơn thế, để cán bộ thực sự là tài sản quý giá của đất nước, cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích và bảo vệ, để cán bộ yên tâm phát huy hết tài năng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, sự ra đời Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị là một đòi hỏi tất yếu.
Kết luận số 14-KL/TW ra đời rất đúng thời điểm mà dấu mốc là khi chúng ta trải qua hơn 35 năm đổi mới. Lúc này, cường độ, nhịp điệu đổi mới đang đòi hỏi phải có sự chuyển biến về chất. Trong khi đội ngũ cán bộ của Đảng cũng tích hợp đủ những yếu tố cần thiết cho sự bứt phá mới. Có được điều đó là bởi sau nhiều nhiệm kỳ, chúng ta đã tập trung lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt nhiều thành quả; xây dựng đội ngũ cán bộ với nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực đạo đức, tạo điều kiện “cần” và “đủ” để kích hoạt những bước tiến dài về năng lực, tài năng của cán bộ. Hơn thế, việc ra đời của Kết luận số 14-KL/TW là bước đi cụ thể hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” - dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu - một nội dung rất mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mở đường để chủ trương trở thành quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đột phá một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” đã thể hiện sự tiếp tục kế thừa và phát triển trong tư duy của Đảng ta về cán bộ tạo thêm động lực rất lớn để cán bộ có thêm bản lĩnh dấn thân, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo và đổi mới trong triển khai các phương pháp tổ chức quản lý để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn có tính cấp bách dám bước qua những lối mòn, những thách thức, có thêm những cơ hội để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Kết luận số 14-KL/TW cũng chỉ rõ những nguyên tắc bất biến trong vận hành, hiện thực hóa ý tưởng, đột phá mới, táo bạo của cán bộ. Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là làm liều, không có tính toán, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm. Ý tưởng, sự đột phá ấy phải bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu tập thể, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện. Hay nói cách khác, sẽ không có bất kỳ ý tưởng mới nào được ghi nhận, nếu nó nằm ngoài tổ chức và sẽ không có bất kỳ cán bộ nào được tổ chức bảo vệ nếu ý tưởng phi thực tế, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật, mang nặng chủ nghĩa cá nhân hoặc làm liều, làm ẩu.
Chia sẻ gánh nặng với “công bộc của dân”
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, những thành quả to lớn mà chúng ta đạt được hôm nay một phần bắt nguồn từ chính tinh thần dám thay đổi, dám kiên quyết đấu tranh của những cán bộ lãnh đạo vì lợi ích của nhân dân, vì sự lớn mạnh của Đảng, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình dù gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Đó là những tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có thể nói đến tấmgương đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người đã khởi xướng chủ trương “Khoán hộ”, hướng đi rất mới trong cách thức quản lý nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. Có thể kể đến tấm gương của Tổng Bí thư Trường Chinh với tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy lý luận và thực tiễn sâu sắc, là người khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người của “Những việc cần làm ngay”; Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại dấu ấn đậm nét với việc xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500 KV…
Cùng với công tác “khuyến khích cán bộ”, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ những quan điểm mới trong bảo vệ cán bộ “6 dám”. Đây là vấn đề đặt ra rất cấp thiết và được giải quyết khá toàn diện, thỏa đáng. Tinh thần và thái độ “bảo vệ cán bộ” trong kết luận này cũng chính là giải phóng sức sáng tạo và giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho những “công bộc” thật sự tâm huyết, trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo đó, tổ chức Đảng sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hay chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Có thể nói, tinh thần bảo vệ cán bộ là rất quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng nó chỉ hiện thực“khi và chỉ khi” cán bộ thật sự đề xuất đổi mới, sáng tạo “vì lợi ích chung”, chứ không phải sự sáng tạo vì lợi ích nhóm hay quyền bính cá nhân. Có nghĩa là những cán bộ sáng tạo, đột phá, “xé rào” vì nước, vì dân, vì lợi ích của tập thể, cộng đồng thì mới được Đảng, Nhà nước và khuôn khổ pháp lý, pháp luật bảo vệ đến tận cùng. Còn ngược lại, Đảng sẽ nghiêm khắc xử lý mạnh mẽ đúng như Kết luận số 14-KL/TW chỉ rõ: “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Như vậy, Kết luận 14-KL/TW là sự cụ thể hóa những nội dung đã được Đại hội XIII quyết định. Một trong những phương hướng của nhiệm kỳ XIII được Đảng xác định là xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ “6 dám” đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây chính là một điểm tựa quan trọng để cán bộ tự tin hơn nữa trong việc dám đột phá những cản trở bất lợi trong quá trình thực thi công vụ mở đường để chủ trương được quy định trong pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để khuyến khích và bảo vệ cán bộ.
----------------
* ĐÀO XUÂN DŨNG - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên.
* ĐÀO XUÂN HUY - Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011,t.5, tr. 309
(2) Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, NXB Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187