Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 11 (Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang), đại biểu Lý Anh Thư nhận định, nước và các nguồn lợi từ nước là một trong những tài nguyên thiên nhiên to lớn, thiết yếu của đất nước. Mặc dù đất nước ta có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn nước từ biển, sông suối, hồ, nước ngầm khá dồi dào, tuy nhiên, không có bất kỳ nguồn tài nguyên nào vô tận nếu không biết cách quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, nhiều nguồn nước đã, đang bị ô nhiễm, đặc biệt là ao, hồ, sông, suối, chất lượng nguồn nước ngầm cũng đang dần dần bị giảm xuống. Một số vùng miền đã có dấu hiệu thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt vào những ngày nắng nóng; nhiều năm nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất bảo đảm an ninh lương thực của đất nước đang dần bị ngập mặn xâm chiếm…
Đại biểu Lý Anh Thư đặc biệt quan tâm đến việc huy động sức mạnh toàn dân tham gia vào công cuộc bảo vệ, quản lý, phát triển nguồn nước, đề nghị bổ sung các nội dung tại Điều 5 và Điều 6 cụ thể:
Điều 5: Về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, bổ sung các nội dung liên quan:
Nhà nước khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư, nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của nhà nước trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Các hành vi xâm phạm, phá hoại tài nguyên nước (theo quy định Luật này) đều phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Tăng cường phổ biến, giáo dục trong nhân dân đặc biệt là các trường học về bảo vệ, phát triển tài nguyên nước.
Điều 6: Về phổ biến, giáo dục tài nguyên nước:
Khuyến khích các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia, vận động tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ và phát triển tài nguyên nước phòng chống tác hại của nước.
Đại biểu nhấn mạnh, điều này nên được đưa vào nhằm tạo sự chủ động của người dân vào việc tự động cập nhập kiến thức và tham gia vào quá trình bảo vệ tài nguyên nước, chủ động vận động người xung quanh tham gia bảo vệ tài nguyên nước.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu cho rằng, không nên quy định loại hẳn nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Luật Tài nguyên nước với ý nghĩa là “Luật chung” điều chỉnh các vấn đề chung, cơ bản nhất liên quan đến nước, còn đối với nước đặc thù, sẽ có những quy định riêng, cụ thể hóa tại các luật cụ thể.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đề nghị rà soát, giải thích đầy đủ và phù hợp hơn tại một số điều trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, những nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, tiết kiệm an toàn, hiệu quả bền vững và an ninh nguồn nước là những nguyên tắc quan trọng hàng đầu cần được đưa lên trên...
Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, tại Điều 5 của dự thảo Luật chưa thể hiện rõ được các nội dung: chủ thể thống nhất quản lý, hay chủ thể huy động nguồn lực và tổ chức các công cụ quản lý nhằm đạt được các mục tiêu, chính sách Nhà nước về tài nguyên nước cũng như bảo đảm thực hiện đúng chủ trương lợi ích về tài nguyên nước. Do đó, theo bà về nội dung, chính sách tài nguyên nước cần thể hiện được nội dung: Nhà nước bảo đảm tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược quy hoạch… bảo đảm chủ quyền Quốc gia, bảo đảm an ninh quốc phòng.