Lần đầu tiên, Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức ở một nước thuộc Liên Xô cũ. Và đây cũng là lần đầu tiên, hội nghị diễn ra trong bối cảnh thiệt hại về quân số của NATO nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập. Con số hơn 150 binh sỹ NATO thiệt mạng ở Afghanistan trong năm nay khiến các nhà lãnh đạo NATO không khỏi giật mình, song, vấn đề mà họ lo ngại hơn cả chính là thái độ tương trợ lẫn nhau của các nước thành viên.
Để đối phó với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của lực lượng Taleban tại Afghanistan, Mỹ và Canada đã kêu gọi các thành viên khác tăng cường lực lượng ở miền Nam, nơi được coi là cái nôi của quân nổi dậy. Tuy nhiên, các thành viên Châu Âu, đứng đầu là Pháp và Đức, đã viện dẫn nhiều lý do để lảng tránh đề nghị này. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Marie Alliot Marie giải thích lực lượng dự bị của Pháp ở NATO không thể làm viện quân tại Afganistan vì còn phải sẵn sàng cho các nhiệm vụ ở Balkan. Còn Thủ tướng Đức Merkel thì tuyên bố quân Đức ở NATO chỉ hoạt động trong giới hạn do Nghị viện quy định, nghĩa là chỉ ở miền Bắc Afghanistan. Các nước này thậm chí còn không chia sẻ trang thiết bị, vũ khí cho các lực lượng của Mỹ đóng tại miền Nam với lý do trang thiết bị không đồng bộ. Lời giải thích này không phải không hợp lý bởi thực tế, các loại vũ khí của Mỹ chỉ có 1 chuẩn xe tăng, trong khi của Châu Âu có đến 4 chuẩn. Mỹ có 3 kiểu xe thiết giáp, còn Châu Âu có tới 16 kiểu. Nhưng tất cả những lý do về chính sách, về pháp lý hay thực tiễn không phải không vượt qua được mà chỉ là các nước có muốn vượt qua hay không. Việc EU treo “miễn chiến bài” với những đồng đội Mỹ cho thấy sự khác biệt khó dung hòa giữa 2 bờ Đại Tây Dương về những vấn đề liên quan đến tương lai của NATO. Hội nghị Thượng đỉnh tại Riga dự kiến sẽ thông qua văn kiện “Định hướng chính trị tổng thể” cho NATO. Mặc dù EU và Mỹ đều nhất trí cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với NATO trong thời gian tới là chủ nghĩa khủng bố, tôn giáo cực đoan và một Iran có vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ muốn “đối đầu” với các nguy cơ trên còn Châu Âu lại theo xu hướng “can dự và hóa giải”. Và trong khi Washington muốn “sử dụng vũ lực” để “chống khủng bố”, “loại bỏ chiến tranh du kích” thì Brussels lại thấy hài lòng với “gìn giữ hòa bình”, “ổn định xung đột”.
Những mẫu thuẫn này không phải mới xuất hiện, mà đã tồn tại từ khi tổ chức này được thành lập. Vào năm 1949, NATO ra đời với mục tiêu duy nhất là ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô. Mục tiêu tồn tại của NATO bắt đầu bị đặt câu hỏi sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, sau đó, hợp tác quân sự trong NATO vẫn ổn thỏa do các nước đều nhận thấy những nguy cơ an ninh mới ở Balkan. Rạn nứt chỉ thực sự bộc lộ khi NATO bị Mỹ cho ra rìa trong giải quyết vấn đề ở Afghanistan. Sau vụ 11.9, NATO không phải đối tượng được Mỹ vời đến tham chiến tại Afghanistan. Thay vào đó, Washington dựng lên một cái gọi là “liên minh tự nguyện” chống khủng bố. Chỉ tới khi sa lầy, Mỹ mới quay lại “ngon ngọt” với NATO và kết quả là Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy ở Afghanistan ra đời. Thực tế đó cho thấy do những lợi ích chiến lược lâu dài, các nước phương Tây thường biết cách dàn xếp mâu thuẫn tương đối ổn thỏa. Tuy nhiên, sau những lần “giận dỗi” và “làm lành” như vậy, cộng với những cuộc tranh cãi không dứt về tương lai, NATO liệu có giữ được tinh thần của một liên minh hay không? Nhất là khi tổ chức này vẫn đang đi tìm một mục tiêu tồn tại.
Vũ Minh