Đáp: Chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố trực thuộc trung ương và UBND thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy định tại Điều 38, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn: Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn thành phố trực thuộc trung ương. Quyết định những vấn đề của thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương ủy quyền. Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn.
Đồng thời, chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương. Phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương, các địa phương thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, thực hiện quy hoạch vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố trực thuộc trung ương.
Hỏi: Cơ cấu tổ chức cụ thể của HĐND thành phố trực thuộc trung ương gồm những nội dung gì?
Đáp: Điều 39 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: HĐND thành phố trực thuộc trung ương gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở thành phố trực thuộc trung ương bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu HĐND thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo nguyên tắc: Thành phố trực thuộc trung ương có từ một triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm 50 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu; TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được bầu 105 đại biểu. Thường trực HĐND thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch HĐND, 2 Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND thành phố trực thuộc trung ương. Chủ tịch HĐND thành phố trực thuộc trung ương có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban pháp chế, Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Văn hóa - xã hội, Ban Đô thị. Ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương gồm có Trưởng ban, không quá 2 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND do HĐND thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Trưởng ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Các đại biểu HĐND thành phố trực thuộc trung ương được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu HĐND. Số lượng Tổ đại biểu HĐND, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu HĐND do Thường trực HĐND thành phố trực thuộc trung ương quyết định.