Minh bạch và tránh chồng chéo
Mới đây, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Tổ Biên tập dự thảo các nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Cuộc họp nhằm đánh giá tiến độ soạn thảo và thảo luận các vấn đề trọng tâm trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn luật.
Lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, Vụ đã phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật xây dựng dự thảo 3 nghị định.
Bao gồm: Nghị định chung quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật (tập trung vào quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật); Nghị định về kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Nghị định quy định về các vấn đề liên quan đến tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (trong đó, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện).

Việc xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ góp phần bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Nguồn: ITN
Khẳng định tính cần thiết của việc ban hành các nghị định này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng nghị định sẽ góp phần bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đó, các nội dung trọng tâm gồm: đơn giản hóa thủ tục, làm rõ trách nhiệm thẩm định của các bộ, ngành và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.
Không ít ý kiến cho rằng, cần làm rõ vai trò của các bộ, ngành trong quá trình thẩm định, đặc biệt đối với các lĩnh vực chuyên biệt. Đơn cử như thẩm định các nội dung liên quan đến điều ước quốc tế; các vấn đề về an ninh, quốc phòng hay các quy định liên quan đến nhân sự, phân cấp và phân quyền. Việc phân định rõ trách nhiệm giúp tăng tính minh bạch, tránh chồng chéo và nâng cao chất lượng thẩm định văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ các hình thức thẩm định, trường hợp nào cần thành lập hội đồng thẩm định, thành phần tham gia và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Linh hoạt trong triển khai thực hiện
Song song với việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, việc đơn giản hóa quy trình và thủ tục xây dựng nghị định, giảm bớt các khâu trung gian để bảo đảm tính linh hoạt trong thực tiễn triển khai cũng là kiến nghị của nhiều chuyên gia.
Đặc biệt, nội dung các nghị định cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình áp dụng. Theo đó, với những điều chỉnh phù hợp, quá trình xây dựng, ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật sẽ ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.
Một trong những điểm mới quan trọng trong quá trình xây dựng các nghị định lần này là việc tích hợp công nghệ số vào công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu cơ chế áp dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tham khảo Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để lồng ghép vào nội dung các nghị định.
Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý văn bản và nâng cao khả năng giám sát thực thi pháp luật; theo đó, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cần phối hợp với các nhóm chuyên gia để nghiên cứu thêm các cơ chế đặc thù liên quan đến tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các vấn đề về tài chính và nghiên cứu khoa học.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thống nhất về việc cần thiết xây dựng ba dự thảo nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, dự kiến trình 3 dự thảo nghị định vào ngày 15.3 tới.