Sản phẩm trưng bày tại hội chợ tập trung vào 3 nhóm ngành hàng chính: máy móc và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ gồm các doanh nghiệp châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan…; phụ kiện, phụ liệu và nguyên liệu gỗ nhập khẩu, gồm các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chuyên về nguyên liệu gỗ từ Mỹ, Canada…; sản phẩm chế biến gỗ từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế...
Đại diện ban tổ chức cho biết, đây là sự kiện nổi bật của ngành chế biến gỗ. Hội chợ nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực tiếp cận với các sản phẩm, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh việc sử dụng các thiết bị tự động hóa và ngành công nghiệp phụ trợ của ngành gỗ như: sơn, keo, đinh vít, bao bì, logistics...
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mà còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là dịp để các nhà sản xuất đồ nội thất nâng cao tầm nhìn và thương hiệu của mình tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới.
So với các năm trước, hội chợ năm nay mang đến các sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số tạo ra năng suất cao. Công tác truyền thông được đẩy mạnh để thu hút và mời nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tham gia. Ban tổ chức cũng hỗ trợ tối đa về dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày tại hội chợ.
Trong khuôn khổ hội chợ, cũng sẽ diễn ra các hội thảo chuyên đề về máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu ngành gỗ, tham quan và khảo sát nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại Bình Dương và một số tỉnh thành lân cận...
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm. Một số thị trường chính tăng mạnh như: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%.