Nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra

- Thứ Tư, 30/03/2022, 13:16 - Chia sẻ
Sáng 30.3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, đại diện một số bộ, ngành trung ương và địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Phiên họp thứ Mười (tháng 4.2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), trên cơ sở đó sẽ xem xét, quyết định việc trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo

Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2010 là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra đặt ra yêu cầu sớm rà soát, nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra. Việc sửa đổi Luật Thanh tra cũng sẽ khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện vừa qua, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lưu ý Luật Thanh tra là có ý nghĩa quan trọng không chỉ về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành mà còn liên quan tới nhiều cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và có đối tượng áp dụng rất rộng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận như: phạm vi sửa đổi; tổ chức ở các cơ quan thanh tra; tổ chức các cơ quan thanh tra chuyên ngành; quy định trình tự, thủ tục, thời hạn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành được tiến thành theo trình tự, thủ tục chung như nhau…

Quang cảnh hội thảo

Các ý kiến tại hội thảo cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành. Một số ý kiến đề nghị cần quy định “khung” về quy trình thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra. Việc phân biệt hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, trước hết, giúp xác định thẩm quyền thanh tra giữa các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính và các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó còn giúp xác định được hình thức, phương thức, thời hạn và quy trình tương ứng, phù hợp với đặc thù đối tượng thanh tra của mỗi loại thanh tra. Qua đó, tránh được sự trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Về tổ chức các cơ quan thanh tra, một số đại biểu đề xuất dự thảo Luật nên quy định các tiêu chí thành lập thanh tra tổng cục, cục, kể cả theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên làm cơ sở để Chính phủ quyết định, nhất là thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ. Điều 27 dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở căn cứ vào quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương. Có đại biểu cho rằng cần làm rõ mô hình Thanh tra sở của Luật này và các luật chuyên ngành.

Minh Trang