Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan:
Thiếu khuôn khổ pháp lý để tăng nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có hạn. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện mục tiêu vượt bậc so với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề nổi lên trong thực hiện các chương trình chính sách tín dụng xã hội là thiếu vốn. Chúng ta đang thiếu một khuôn khổ pháp lý để tăng nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong Nghị quyết 88/2019/QH14 (phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030) và Nghị quyết 120/2020/QH14 (phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030) có quy định: sử dụng vốn đầu tư công trung hạn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thế nhưng, trong Kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, không có nguồn vốn để hỗ trợ cho vay nhằm giải quyết việc làm, thực hiện chương trình cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi? Chúng ta cần giải quyết vấn đề này thế nào khi không bố trí được nguồn vốn thực hiện? Đây cũng là vướng mắc với nhiều chương trình tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện.
Xuất phát từ việc thiếu vốn cho thấy vướng mắc từ một số quy định pháp luật, ví dụ như quy định của Luật Đầu tư công, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công ở 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều vướng mắc. Bên cạnh đó, việc áp dụng Luật Đầu tư công giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng khác nhau. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bố trí vốn đầu tư công cho thực hiện chính sách tín dụng xã hội; nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững lại không được áp dụng.
Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025) hạn chế đối tượng thụ hưởng bản chất cũng là do thiếu vốn. Chúng ta muốn mở rộng đối tượng cho cả người cận nghèo được vay vốn, nhưng rất khó. Do đó, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội về vấn đề này, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai:
Tiếp cận tín dụng nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn
Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp chủ trì các dự án thành phần, nhưng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả việc thực hiện chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất tích cực. Dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã của nước ta tính đến 31.12.2022 đạt 1.685.648 tỷ đồng, tăng gần 14,25% so với cuối năm 2021, tăng 26,73% so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cập nhật số liệu đến tháng 6.2023, bóc tách tỷ lệ tín dụng của người dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và tín dụng phục vụ tiêu dùng trong lĩnh vực nông thôn.Đồng thời, đánh giá cụ thể hơn về tình hình trả nợ vay của người dân, doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần phân tích cụ thể hơn về việc triển khai các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, nhất là về tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Bởi, qua thực tế làm việc với địa phương, còn có ý kiến phản ánh, việc tiếp cận tín dụng của nông nghiệp, nông thôn còn có khó khăn, vướng mắc do bất cập về thủ tục vay, tài sản bảo đảm, phương án sản xuất kinh doanh để xét duyệt cho vay, tâm lý e ngại của các tổ chức tín dụng khi cho vay tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ:
Chưa đạt mục tiêu cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát các chương trình, chính sách tín dụng sử dụng không hết nguồn vốn vay hoặc không có nhu cầu sử dụng, như nguồn vốn phục vụ cho thiết bị học tập trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19; nguồn vốn dành cho cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Bởi, đa phần các trường tư thục phát triển rất mạnh, không cần vay chính sách tín dụng với nguồn vốn thấp (khoảng 100 triệu đồng). Do đó, nếu không phù hợp thì có thể xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng vốn để giúp các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn hay không?
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025) có quy định về chính sách cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Tuy nhiên, tại các địa phương, việc triển khai chính sách này hầu như chưa đạt. Muốn phát triển vùng trồng dược liệu quý, người dân phải dựa trên đặt hàng của doanh nghiệp; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu, hoặc có kế hoạch nhưng triển khai rất chậm.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần quan tâm đánh giá lại tác động của chính sách cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, xem xét hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra cho dược liệu quý. Nếu cứ kéo dài, chính sách cho vay không hiệu quả, thì có nên ngừng cho vay tín dụng dược liệu quý để chuyển đổi cho vay sang các chương trình, dự án khác thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hay không?