Sửa đổi quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, các quy định của Luật Đấu thầu hiện hành về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và một số quy định liên quan chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
Cụ thể hơn, tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật nêu rõ, Luật Đấu thầu hiện hành quy định khi mua sắm tập trung phải tiến hành đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế, ngoài việc áp dụng đấu thầu rộng rãi (là hình thức chủ yếu) thì trong trường hợp cấp bách, như mua sắm phòng, chống dịch bệnh, thiên tai có thể áp dụng đàm phán trực tiếp với nhà thầu để có thể mua sắm được ngay các hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của mua sắm tập trung.
Trước thực tế nêu trên, quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đấu thầu về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu trong lựa chọn nhà đầu tư được sửa đổi theo hướng hoàn thiện phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước nhằm gia tăng tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, mang lại hiệu quả tối đa cho Nhà nước về mặt kinh tế cũng như xã hội. Phương án này được cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá là phù hợp và cần thiết vì phù hợp với các yêu cầu đặc thù trong đánh giá hồ sơ dự thầu đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa và dự án có từ 2 nhà đầu tư quan tâm. Điều này cũng góp phần bảo đảm lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhưng những sửa đổi này có lẽ chưa đáp ứng được đòi hỏi trong thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, thời gian qua những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này xuất phát từ những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Nhiều vấn đề trong thực tiễn đang cần nghiên cứu thấu đáo
Chỉ rõ đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công là một vấn đề đang được dư luận xã hội rất quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần báo cáo làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, tập trung trong thời gian vừa qua có những vấn đề gì mà tổ chức khó khăn, dẫn đến tình trạng Thủ tướng phải có chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn thấy khan hiếm? Tại dự thảo Luật này có thể khắc phục được hạn chế này không?
Qua theo dõi lĩnh vực y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định liên quan tới đấu thầu trong lĩnh vực y tế và các quy định này sẽ góp phần giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua một số loại hàng hóa liên quan đến y tế như vaccine, sinh phẩm, thuốc hoặc các sản phẩm chuyên biệt mà các cơ quan Liên Hợp Quốc có thể mua với mức giá thấp hơn do đặt hàng số lượng lớn cho các nước trên thế giới giá thấp hơn so với đấu thầu trong nước. Hoạt động này gặp nhiều khó khăn do thiếu quy định của pháp luật. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung hình thức mua sắm thông qua các cơ quan Liên Hợp Quốc vào dự thảo Luật.
Chủ nhiệm UB Nguyễn Thúy Anh cũng nêu thực tế: Dịch vụ y tế đòi hỏi chất lượng và tính kịp thời, thuốc và trang thiết bị y tế nằm trong cơ cấu của dịch vụ y tế. Song, khác với các hàng hóa khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể dự trù chính xác nhu cầu sử dụng vì phụ thuộc tình hình bệnh tật, dịch bệnh... Việc tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian nên có thể xảy ra việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khi nhu cầu sử dụng thực tế vượt dự trù, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân và chất lượng của dịch vụ. Do vậy, Chủ nhiệm UB Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, điều này cũng phải được dự tính trong dự thảo Luật.
Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định của Luật hiện hành đưa ra phương pháp đầu tiên để đánh giá là về dịch vụ. Sau đó, đến đánh giá về vốn góp của Nhà nước, lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước cũng quy định có thể sử dụng phương pháp đánh giá tổng hợp. Với phương pháp đánh giá hồ sơ này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ, đấu thầu tập trung, mua thuốc hiện theo hình thức các bệnh viện căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu và chính giá trúng thầu này trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Do nguyên lý của đấu thầu là “giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch” nên qua từng năm giá này sẽ thấp dần, giá trị của viên thuốc sẽ không còn giữ được.
Việc lựa chọn thuốc giá rẻ khiến những công ty thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ càng không thể tham gia "cuộc đua" đấu thầu tập trung, mua thuốc, ảnh hưởng đến công nghiệp dược của nước ta. Trong khi đó, khi không có thuốc tốt, bác sỹ sẽ thiếu "vũ khí" điều trị, nhất là với ca bệnh nặng, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Trước những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri đưa ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan chức năng phải làm rõ câu chuyện: Giá trúng thầu thuốc qua hàng năm sẽ càng thấp dần do quy định của Luật Đấu thầu hiện hành hay do văn bản quy định hướng dẫn thi hành, từ đó bổ sung vào dự thảo Luật các quy định tháo gỡ khó khăn cho công tác này. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, quy định về đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế cũng cần được rà soát để đưa ra những quy định nghiêm túc, siết chặt hơn tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này.