Các cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm”, sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực, các bộ, ngành đã xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản chi tiết, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Về cơ bản,các văn bản chi tiết, văn bản hướng dẫn được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ về phòng chống ma túy, bảo đảm đủ điều kiện cho việc tổ chức thực hiện Luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay vẫn còn nhiều nội dung tại các văn bản chưa được thực hiện, một số quy định còn vướng mắc, bất cập trong triển khai. Cụ thể, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành chậm 9 - 14 tháng so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành đối với 1 nghị định, 4 thông tư. Chưa có định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực cai nghiện ma túy để các địa phương làm cơ sở trình cấp thẩm quyền quy định giá dịch vụ công, giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Hầu hết các cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy và khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Trong số 97 cơ sở cai nghiện có 34 cơ sở thiếu trang thiết bị phục vụ thực hiện quy trình cai nghiện (chiếm 35,1%); 46/97 cơ sở thiếu trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt của người cai nghiện (chiếm 47,4%); 78/97 cơ sở thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ, quản lý người cai nghiện (chiếm 80,4%); 57/97 cơ sở thiếu trang thiết bị dùng chung của cơ sở cai nghiện (chiếm 58,7%). Chỉ có trên 40% cơ sở đủ phân khu quản lý, điều trị theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy nhưng nhiều khu điều trị xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp.
Ngoài ra, một số điều khoản tại các Nghị định còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Chẳng hạn, tại điểm b, khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định người phụ trách y tế là “y sỹ, bác sĩ đã được đào tạo, tập huấn về xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị, cai nghiện ma túy”. Còn tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lại quy định: đối với phòng khám chuyên khoa hỗ trợ cai nghiện phải đáp ứng điều kiện là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền có chứng chỉ đào tạo về hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng phương pháp y học cổ truyền. Như vậy đã có sự không thống nhất giữa hai văn bản, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện tại các địa phương.
Công tác xác định tình trạng nghiện gặp nhiều khó khăn
Về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, công tác xác định tình trạng nghiện cũng cho thấy chưa đạt kết quả và gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cơ sở chưa đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn.
Về việc phối hợp trong tổ chức thực hiện Luật, quy định đối với điều trị cai nghiện bằng methadone là “trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú”. Song, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam chỉ rõ, qua giám sát cho thấy, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện.
Nêu rõ hiện nay ở các địa phương vẫn sử dụng phác đồ điều trị chung cho các loại nghiện ma túy khác nhau, Ủy viên Thường trực Trần Thị Thanh Lam đặt vấn đề, đối với tình trạng người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc Methadone nhưng đồng thời cũng nghiện ma túy tổng hợp thì điều trị bằng methadone có còn phù hợp không? Do đó, Bộ Y tế cần làm rõ trong báo cáo việc điều trị này sẽ điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới.
Mặt khác, các ý kiến của Đoàn giám sát cũng nhận thấy, công tác thống kê người nghiện ma túy còn thiếu thống nhất về số liệu giữa các Bộ, chưa chính xác, bỏ lọt đối tượng do công tác tổ chức xác định tình trạng nghiện chưa hiệu quả.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, báo cáo và trình Chính phủ phương án hỗ trợ địa phương nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị… cho các cơ sở cai nghiện ma túy để bảo đảm theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Rà soát, đánh giá hiệu quả và triển khai các chương trình hỗ trợ về đào tạo nghề, vay vốn cho người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y tế công lập cấp xã, cấp huyện có thể tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện nguyện tại gia đình, cộng đồng; đánh giá hiệu quả của Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt Chương trình này trong thời gian tới.