- Bàđánh giá thế nào về nội dung phiên chất vấn vàtrả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ?
Tôi đánh giá cao các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các đại biểu đã đưa ra những vấn đề chất vấn rất trọng tâm, trọng điểm và bám sát vào những vấn đề mà nhân dân, cử tri cả nước đang quan tâm. Đặc biệt là những vấn đề về công chức, viên chức.
Tôi cũng rất tán thành phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bộ trưởng đã nắm rất sát, rất vững tình hình, thực trạng của ngành. Qua phần trả lời của Bộ trưởng, có thể thấy, Bộ Nội vụ đã nắm rất rõ các vấn đề và đã có những kế hoạch rất chủ động để khắc phục những tồn tại, bất cập.
Như khi thảo luận về Nghị định 34/2019/NĐ-CP liên quan đến công chức, viên chức cơ sở chuyên trách và không chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ thực trạng đang diễn ra, đó là số lượng cán bộ không chuyên trách, bán chuyên trách thì giảm đi do việc sắp xếp đơn vị hành chính.Chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách vẫn thực hiện như trước khi sáp nhập. Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh nhưng các tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể mức khoán quỹ cho từng xã, thôn. Trong khi trọng trách của các cán bộ cơ sở cũng không khác gì so với các cán bộ khác.
Theo lời Bộ trưởng, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 34 đã được gửi lấy ý kiến với 63 tỉnh, thành phố.Sau Kỳ họp thứ Tư, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi quy định hiện hành phù hợp hơn, điều chỉnh mức khoán cao hơn, dù không điều chỉnh số lượng cán bộ không chuyên trách xã, thôn.
Vì vậy, tôi mong rằng những điều mà Bộ trưởng đã hứa ở trong phiên chất vấn sẽ được thực hiện, để có thể sớm sửa đổi Nghị định 34/2019/NĐ-CP đáp ứng được mong mỏi của cán bộ ở cơ sở và kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
- Bà nhìn nhận thế nào về những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Nội vụđưa ra để "giữ chân" cán bộ, nhân viên, công chức, viên chức trong thời gian tới?
Bộ Nội vụ cũng như Bộ trưởng đã đề xuất rất nhiều giải pháp. Từ việc làm tốt công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác đến những giải pháp liên quan tới cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức; Xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại; Cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ...
Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải thiện môi trường làm việc trong khu vực công. Cần phải xây dựng được một môi trường làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức mà ở đó, họ cảm thấy trình độ, năng lực và sự sáng tạo của mình có thể được phát huy hết, một môi trường làm việc thực sự dân chủ, thực sự thân thiện để cán bộ, công chức, viên chức có thể phát huy hết khả năng, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những việc mới, trước những việc khó, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân cũng như cử tri cả nước.
- Vậy theo bà, đâu là giải pháp cần sớm triển khai để có thể giữ chân cán bộ, công chức, viên chức cũng như nhân viên y tế,giáo viên?
Theo tôi, cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, trong đó có cải thiện môi trường làm việc, cải tiến cách thức tuyển dụng, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, đánh giá, thi đua khen thưởng cho đến việc cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức. Tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công việc.
Chỉ có thực hiện đồng bộ tất cả những giải pháp này thì mới có thể giải quyết một cách căn cơ hiện tượng gia tăng nghỉ việc, xin thôi việc để chuyển sang nơi làm việc khác ở một bộ phân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các khu vực công.
- Xin cảm ơn bà!