Giáo sư Lê Văn Huấn sinh năm 1906 tại xã Phong Điền, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình giàu có, đầy quyền lực. Thông minh, học giỏi, mới 18 tuổi ông đã tốt nghiệp trường sư phạm và 22 tuổi ông nhận bằng cao đẳng sư phạm Hà Nội, trở thành một trong những cử nhân văn khoa trẻ nhất thời đó.
Trở về Sài Gòn, ông được bổ nhiệm dạy môn Sử - Địa tại trường Pétrus Ký - trường nổi tiếng của Nam Bộ lúc bấy giờ. Qua truyền đạt kiến thức về lịch sử và địa lý, Giáo sư Lê Văn Huấn đã giáo dục cho học sinh tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và ý thức thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhiều học sinh trường Pétrus Ký nhờ sự giáo dục đó, sau này trở thành những cán bộ, chiến sĩ cách mạng trung kiên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính quyền non trẻ của nhân dân ta vừa ra đời đã đứng trước những thử thách ghê gớm. Ở miền Nam, quân Anh được phái vào tước vũ khí của quân Nhật, lại giúp cho thực dân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai vào ngày 23.9.1945. Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ trong “Tuyên cáo quốc dân” ngày 23.9 đã kêu gọi đồng bào Nam Bộ nhất tề đứng lên kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, và giáo sư tình nguyện ra chiến khu để trực tiếp tham gia chiến đấu chống Pháp, nhưng tổ chức lại yêu cầu Giáo sư Lê Văn Huấn cũng như nhiều trí thức nổi tiếng khác như các luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, các giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Lê Văn Thới... ở lại hoạt động nội thành Sài Gòn. Nhiệm vụ mà tổ chức giao cho giáo sư Lê Văn Huấn là mở lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật về phát thanh để phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng.
Giáo sư Lê Văn Huấn đã mở các lớp đào tạo tại trường Frères Louis (nay là đường Nguyễn Trãi thuộc Quận 1 TP. Hồ Chí Minh), nhiều lần dùng xe của nguyên Thủ tướng Chính phủ Sài Gòn (là Lê Văn Hoạch, người anh cùng cha khác mẹ với giáo sư) để chở máy móc, linh kiện điện tử ra chiến khu để xây dựng Đài phát thanh Nam Bộ và Đài phát thanh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Lớp cán bộ được giáo sư trực tiếp đào tạo thời đó, sau này là lực lượng nòng cốt và giữ vị trí quan trọng trong ngành phát thanh, truyền hình phía Nam.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngành phát thanh, Giáo sư Lê Văn Huấn còn được giao nhiệm vụ làm hạt nhân trên mặt trận đấu tranh chính trị, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ của Nghiệp đoàn giáo dục tư thục Việt Nam được thành lập ngày 10.5.1953.
Theo Giáo sư Lê Văn Thới - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Khóa I và Khóa II, nguyên Tổng Thư ký Nghiệp đoàn giáo dục tư thục Việt Nam, trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Lê Văn Huấn là một thành viên trong Ban lãnh đạo hoạt động bí mật của Nghiệp đoàn. Ra đời trong lúc thực dân Pháp và chính quyền tay sai ra sức bắt lính để cứu vãn sự thất bại liên tiếp của chúng trên chiến trường, Nghiệp đoàn đã kịp thời phát động phong trào học sinh, sinh viên chống bắt lính, chống quân dịch. Cuộc biểu tình đầu tiên do Nghiệp đoàn tổ chức diễn ra vào ngày 1.5.1954, được đông đảo giáo giới tham gia, được quần chúng hưởng ứng rộng rãi và buộc chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận yêu sách không bắt giáo viên đi lính.
Sau Hiệp định Geneve, Giáo sư Lê Văn Huấn ra hoạt động công khai dần trong thành phố. Với cương vị Hiệu trưởng Trường Nam Việt - một trong số những trường nòng cốt của Nghiệp đoàn giáo dục tư thục - Giáo sư đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều giáo viên vùng kháng chiến cũ chuyển vào nội đô dạy ở các trường tư thục sẵn có hoặc chung nhau mở các trường tư thục mới nhằm tăng cường sức mạnh cả về chất và lượng cho hoạt động của Nghiệp đoàn.
Nghiệp đoàn với các giáo sư tên tuổi thời đó như: Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chi, Nguyễn Ngọc Thưởng, Lê Văn Thả, Lê Văn Huấn... đã sát cánh cùng phong trào bảo vệ hòa bình, động viên trí thức, thanh niên học sinh, sinh viên các đô thị lớn tiến hành hàng loạt các cuộc biểu dương lực lượng đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneve, đòi tự do hoạt động chính trị, đòi bảo vệ các quyền sống còn của giáo viên và học sinh, đòi lấy tiếng Việt làm chuyên ngữ trong nhà trường từ tiểu học đến đại học; tổ chức những cuộc hội thảo, những đợt đấu tranh chống văn hóa suy đồi của Mỹ, bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc, nổi lên là các cuộc “xuống đường” bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ,…
Thế nhưng, đáp lại những đòi hỏi chính đáng của các tầng lớp nhân dân miền Nam, Mỹ - Diệm đã thi hành một chính sách đàn áp dã man, chúng nổ súng đàn áp cuộc biểu tình hòa bình của một vạn nhân dân thành phố; chúng hạ sát anh Phạm Văn Ngà, bắt và tra tấn đến chết giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng, dùng nhục hình cực kỳ tàn bạo giết chết chị Nguyễn Thị Diệu - giáo viên Trường Đức Trí trong lúc chị đang mang thai; các đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển (tức Ba Thi) - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Trần Quốc Thảo (Đồ Em) - Bí thư Thành ủy Sài Gòn đã anh dũng hy sinh. Giáo sư Lê Văn Huấn tham gia lãnh đạo phong trào bảo vệ hòa bình và Nghiệp đoàn giáo giới bị bắt đi bắt lại đến 7 lần, bị tra tấn hết sức dã man, bị giam cầm ở hầu khắp các nhà tù, bốt cảnh sát, khám Chí Hòa, rồi đày ra Phú Quốc, Côn Đảo.
Năm 1963 ra tù, Giáo sư Lê Văn Huấn bí mật rời thành phố Sài Gòn vào chiến khu, được cử làm Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chuyên trách công tác giáo dục và làm Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam. Sau gần nửa năm Giáo sư nhận nhiệm vụ chuyên trách công tác giáo dục, vào cuối tháng 4.1964, Đại hội Giáo dục toàn miền Nam lần thứ nhất khai mạc với đông đủ đại biểu từ bờ nam sông Bến Hải đến mũi Cà Mau để thống nhất đường lối giáo dục, phương châm và biện pháp xây dựng nền giáo dục trong kháng chiến chống Mỹ. Và đúng vào ngày 19.5.1964 - ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội tiến hành thông qua Điều lệ chính thức, bầu Ban chấp hành Trung ương Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam gồm 31 vị do giáo sư Lê Văn Huấn làm Chủ tịch, đồng chí Dương Văn Diệu và Trần Thanh Nam trong Ban Thường vụ và làm nhiệm vụ thường trực Hội.
Thực hiện chương trình của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ với yêu cầu: “Xóa bỏ nạn mù chữ. Lập thêm các trường phổ thông, bảo đảm cho thanh niên và thiếu niên có đủ trường học. Mở mang các trường đại học và chuyên nghiệp và các trường dạy nghề. Thực hiện chế độ dạy bằng tiếng Việt trong các trường học. Giảm học phí cho học sinh và sinh viên, miễn học phí cho học sinh và sinh viên nghèo, cải cách chế độ thi cử”, Giáo sư Lê Văn Huấn đã cử đoàn công tác về miền Tây Nam Bộ, giúp mở trường đào tạo cán bộ quản lý cấp huyện và tỉnh; mở trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp I; xây dựng lại trường Lý Tự Trọng (vốn là trường thiếu sinh quân được thành lập từ năm 1962 nhưng bị địch đốt phá) - để làm cơ sở đào tạo con em cán bộ.
Cuối năm 1968, theo kiến nghị của Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội Lê Văn Huấn, Thường vụ Trung ương Cục có Chỉ thị số 22 khẳng định: “Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải xây dựng ngành giáo dục vững mạnh ở vùng giải phóng”. Triển khai Chỉ thị của Trung ương Cục, Giáo sư Lê Văn Huấn đã phối hợp chặt chẽ với Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Kiết và các Thứ trưởng Nguyễn Văn Chi, Hồ Hữu Nhật “tỏa quân” đi các vùng miền, làm việc với cấp ủy, chính quyền các vùng, miền, cùng địa phương bàn bạc, tháo gỡ khó khăn nên chỉ trong một thời gian ngắn, trường lớp được phục hồi mau chóng ở cả những nơi bom đạn ác liệt như miền Đông, Tây Ninh và những vùng rừng núi hẻo lánh ở Tây Nguyên… Giáo dục luôn luôn có mặt trong mọi tình huống, chống phá kế hoạch bình định của địch, giành dân, giữ dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng ngành để sự nghiệp trồng người “trở thành bộ phận không thể thiếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, như báo cáo Tổng kết chiến tranh đã khẳng định. Và trong sự nghiệp trồng người đó, có sự đóng góp to lớn của Giáo sư Lê Văn Huấn.
Do bị tù đầy nhiều năm với những đòn tra tấn hết sức dã man của Mỹ - Ngụy, do tuổi cao, sức yếu, giáo sư đã tạ thế vào ngày 20.8.1988 tại TP. Hồ Chí Minh, để lại tấm gương sáng của một trí thức yêu nước và cách mạng ở thời đại Hồ Chí Minh.