Sau gần một tuần thương lượng căng thẳng, Đại hội chấp nhận kiến nghị của Quốc hội và Ban Bí thư điều ông Nguyễn Văn Tiến, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại diện đặc biệt của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào dự Đại hội chính thức và được bầu làm Tổng Thư ký, để giáo sư Nguyễn Văn Thủ vẫn tiếp tục đảm nhiệm công việc bên Quốc hội.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ mang bí danh là Nguyễn Văn Chi, tên gọi thường là Bẩy Thủ, hay Bẩy Chi. Ông sinh ngày 27.2.1915 tại xã Trung Hậu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình đại điền chủ.
Tốt nghiệp tú tài năm 1933 khi vừa tròn 18 tuổi, ông được gia đình gửi sang Pháp học ngành bác sĩ nha khoa. Năm 1940, ông tốt nghiệp. Sớm giác ngộ cách mạng, khi còn là sinh viên ông đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước của Việt kiều tại Paris và trở thành nhân vật nòng cốt của phong trào. Năm 1942, ông trở về nước, bắt liên lạc với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Hà Huy Giáp và tham gia hoạt động bí mật theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Đương.
Tháng 5.1943, ông được cử vào Ban Chấp hành Công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn và được phân công phụ trách công tác y tế. Đây là lực lượng nòng cốt đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn.
Tháng 3.1945, bác sĩ Thủ được giao nhiệm vụ cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và đồng chí Thái Văn Lung lập tổ chức Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn - Chợ Lớn và giữ chức Phó Chủ tịch.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử vào Ủy viên dự khuyết Ủy ban Hành chính Nam Bộ và khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn, được phân công phụ trách y tế và kinh tế.
Tháng 9.1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1949, được cử làm Trưởng phòng Nha khoa, Sở Y tế Nam Bộ. Đến năm 1953 là Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế.
Có thể thấy, 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, song nhiều nhất vẫn là công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân và bộ đội - một thế mạnh đồng thời cũng là sở trường của ông vì ông đã được đào tạo một cách bài bản về ngành y.
Năm 1954, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ tập kết ra miền Bắc và được phân công xây dựng ngành răng - hàm - mặt Việt Nam. Quyết định đầu tiên mà ông nhận được từ Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch khi đó là Chủ nhiệm khoa, kiêm Chủ nhiệm bộ môn Răng - Hàm - Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội. Ông cũng được Đại hội Răng - Hàm - Mặt bầu làm Chủ tịch Hội và được cử làm Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.
Năm 1956, ông được cử làm Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô và Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Năm 1962, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, ông được Trung ương cử vào chiến trường miền Nam năm 1964 với trọng trách Trưởng Ban Y tế Trung ương Cục miền Nam và Chủ tịch Chữ thập đỏ miền Nam Việt Nam.
Trước khi “xông trận”, ông được Bác Hồ mời cơm. Cùng dự có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch. Trong bữa cơm lịch sử đó, theo hồi ký ghi lại, Bác căn dặn ông: “Về Nam, chú cố gắng công tác để góp phần cùng toàn dân ta đấu tranh sớm thống nhất đất nước để Bác có dịp vào thăm đồng bào miền Nam”. Cũng tại bữa cơm đó, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ bày tỏ nguyện vọng với Bác Hồ, với Thủ tướng Phạm Văn Đồng việc xây dựng Viện Răng - Hàm - Mặt Việt Nam.
Ông vào Nam bằng đường biển trên một con tàu không số. Tàu đưa ông vào Bến Tre và từ Bến Tre ông được cải trang theo liên lạc lên chiến khu. Với trách nhiệm Trưởng ban Dân y miền Nam, một tư lệnh chiến trường trên lĩnh vực y tế trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ giữa dân y và quân y; khẩn trương và mở rộng việc đào tạo y tá, y sĩ và hộ lý phục vụ cho chiến trường và nhân dân vùng giải phóng; đẩy mạnh cuộc vận động phòng bệnh; vận động nhân dân trồng các cây thuốc nam và tổ chức các xưởng sản xuất thuốc chữa bệnh thông thường để cung cấp kịp thời cho bộ đội ở các chiến trường và bà con ở vùng giải phóng.
Được phép của cấp trên, ông tổ chức và bố trí các bác sĩ tài năng vào nội thành Sài Gòn vừa công tác chuyên môn, vừa cung cấp y cụ và thuốc men quý hiếm cho chiến khu, vừa xây dựng cơ sở ngay tại trung tâm đầu não của địch để phối hợp với các binh chủng khác đấu tranh cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Một sự kiện đáng nhớ mà ông thường kể lại cho chúng tôi rất nhiều lần: Cuối năm 1968 tại căn cứ địa Tây Ninh, ông được gặp người bạn cố tri, người đồng chí đã đưa ông đến với cách mạng. Đó là Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch vào Nam để chỉ đạo công tác y tế. Không ngờ, đây là cuộc gặp mặt cuối cùng vì sau đó Bộ trưởng lâm bệnh nặng và hy sinh.
Sau này khi đất nước đã thống nhất, ông được phân công làm Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách cơ quan của Bộ tại phía Nam, ông đã tổ chức đưa hài cốt cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch - người bạn thân thiết của mình từ biên giới Campuchia về nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội của Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976-1981). Và như đã kể ở trên, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận, tháng 2.1977, dù được tín nhiệm cử làm Tổng Thư ký, nhưng vì công việc Quốc hội, ông đã chỉ tham gia là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ là người sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Răng - Hàm - Mặt Việt Nam vào năm 1980. Cũng năm đó, ông được Nhà nước phong chức Giáo sư. Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ còn là người lãnh đạo xuất sắc của Hội Chữ thập đổ Việt Nam. Ngay từ năm 1955 ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 31.7.1976 tại Đại hội thống nhất Chữ thập đỏ hai miền, ông được bầu làm Chủ tịch. Dưới sự chỉ đạo của ông, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận triển khai nhiều hoạt động cứu trợ xã hội được nhân dân đánh giá cao như: chăm lo cho hàng chục vạn gia đình thương binh, liệt sĩ; tiếp đón và ổn định cuộc sống cho hàng vạn bà con Việt Nam từ Campuchia trở về dưới thời Pol Pot. Ông cũng là người tích cực đi khơi nguồn, vận động sự viện trợ quốc tế.
Năm 1983, Giáo sư Nguyễn Văn Thủ bị bệnh hiểm nghèo. Đảng, Nhà nước và gia đình đã đưa sang Pháp điều trị song không qua khỏi và đã ra đi ngày 24.6.1984.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ - một điển hình về tinh thần yêu nước của trí thức Việt Nam, sớm giác ngộ và tham gia cách mạng ngay từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông là thầy thuốc tận tụy với nghề, say sưa với ngành cho đến hơi thở cuối cùng.