Một bước xích lại gần Trung Quốc
Quốc vương Ảrập Xêút Salman bin Abdulaziz Al Saud đã ký các văn kiện trao cho nước này tư cách đối tác đối thoại trong SCO, một liên minh chính trị và an ninh trải rộng khắp Âu-Á. SCO được thành lập vào năm 2001 bởi Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Được coi là một đối trọng địa chính trị đối với Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây, hiện nay SCO đã kết nạp thêm Ấn Độ, Uzbekistan và Pakistan với tư cách là thành viên đầy đủ. Quy chế thành viên chính thức của Iran cũng đã được phê chuẩn năm ngoái và sẽ có hiệu lực trong năm nay.
Ngoài việc chính thức hóa quan hệ đối tác với SCO, Quốc vương Salman cũng phê chuẩn chương trình hợp tác đào tạo kỹ thuật và dạy nghề với Trung Quốc.
Trước đó, ngày 10.3, tại thủ đô Bắc Kinh, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - người ở vị trí trung gian hòa giải, đã chụp ảnh với đại diện của Ảrập Xêút và Iran, chính thức công bố thỏa thuận hòa bình giữa hai nước, chấm dứt 7 năm xung đột chính trị, mở ra một chương mới trong lịch sử. Ở Washington, chính quyền Biden ắt hẳn đã ngỡ ngàng. Trong lúc Trung Quốc đang lao vào một đọ sức với Mỹ trên mọi phương diện, đây là một thắng lợi của nền ngoại giao Trung Quốc khi thuyết phục được Ảrập Xêút - đồng minh lâu đời của Mỹ bắt tay với Iran - vốn là quốc gia thù địch đang bị Washington trừng phạt. Với vị trí trung gian cho thỏa thuận lịch sử này, Bắc Kinh đang phát đi hình ảnh một nước Trung Hoa yêu chuộng hòa bình và có trách nhiệm đối với thế giới.
Về kinh tế, đầu tuần này, tập đoàn dầu hỏa lớn nhất thế giới Aramco của Ảrập Xêút thông báo hai dự án “khổng lồ” sắp được ký kết trong năm nay với các đối tác Trung Quốc: một nhằm cung cấp đến 480.000 thùng dầu mỗi ngày cho tập đoàn hóa dầu Rongsheng và một nhằm xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Panjin, Đông Bắc Trung Quốc.
Mối quan hệ đang phát triển này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết với chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình tới thủ đô của Ảrập Xêút vào tháng 12.2022, lần đầu tiên sau gần 7 năm Chủ tịch Trung Quốc đến thăm đồng minh năng lượng chủ chốt của mình. Ảrập Xêút, nhà cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới và Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất, đã gặp nhau để thảo luận về tham vọng đạt được thỏa thuận ban đầu trị giá 29,26 tỷ USD.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Riyadh với 76 tỷ USD vào năm 2012, nhưng hiện nay Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã vượt qua Mỹ, với thương mại chỉ là 29 tỷ USD vào năm 2021, theo Bloomberg.
Việc Ảrập Xêút hối hả cải thiện bang giao với Bắc Kinh lại làm dấy lên câu hỏi: Phải chăng đây là dấu hiệu mới thể hiện quyết tâm của Riyadh muốn thoát khỏi cái bóng của Hoa Kỳ?
Trên thực tế, tuần trăng mật giữa Trung Quốc và Ảrập Xêút không chỉ mới bắt đầu từ chuyến công du của ông Tập Cận Bình hồi đầu tháng 12.2022 và cũng không dừng lại ở các lĩnh vực ngoại giao hay kinh tế. Trong bài tham luận hôm 8.3 trên trang chủ Viện Quan quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), Jean Loup Samaan ghi nhận: Chính sách đối ngoại của Ảrập Xêút từ 2015 được đặt trong tay thái tử Mohamad Ben Salman. Và vị thái tử trẻ tuổi này quan niệm “Trung Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng”. Lãnh đạo tương lai của vương quốc dầu mỏ này tin rằng “với Bắc Kinh, Ảrập Xêút sẽ đạt được hai mục tiêu: chuyển đổi và hiện đại hóa cỗ máy kinh tế, đồng thời củng cố vị trí của Riyadh trên bàn cờ ngoại giao”.
Trung Quốc là điểm tựa của hoàng thái tử Ben Salman trong kế hoạch Tầm nhìn 2030. Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, Riyadh đã tham gia vòa dự án “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Bắc Kinh qua việc chọn Hoa Vi để triển khai mạng 5G.
Đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác
Mối quan hệ ngày càng khăng khít của Riyadh với Bắc Kinh đã làm dấy lên những quan ngại ở Washington. Thế nhưng Emily Hawthorne, một nhà phân tích cấp cao về Trung Đông tại Mạng lưới Hỗ trợ Rủi ro và Sàn giao dịch có trụ sở tại Hoa Kỳ, lại không coi động thái này là Ảrập Xêút đang chọn bên mà đơn thuần đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác của mình.
Bà nói: “Điều thực sự quan trọng là chúng ta không nên nhìn nhận động thái gia nhập SCO của Ảrập Xêút đồng nghĩa với việc nước này đang từ bỏ hoặc cố tình làm suy yếu bất kỳ mối quan hệ nào với Mỹ”. “Washington vẫn là chiếc ô bảo đảm an ninh chính của Riyadh”, bà lưu ý.
Trên thực tế, Ảrập Xêút dường như đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác toàn cầu giống như cách mà nước này đã đa dạng hóa nền kinh tế của mình sang các lĩnh vực phi dầu mỏ và giảm sự phụ thuộc vào một nguồn duy nhất.
Theo bà Emily Hawthorne, SCO được thành lập khoảng 22 năm trước, vẫn còn khá non trẻ so với tổ chức phương Tây gần 74 tuổi - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi an ninh là mục tiêu chính của cả hai tổ chức, SCO vẫn không mang trọng lượng an ninh và quân sự như NATO.
“SCO hoạt động như một diễn đàn đối thoại giữa các quốc gia Á-Âu có chung lợi ích. Cho thấy thái độ không liên kết với trật tự thế giới của phương Tây, do Mỹ lãnh đạo”, bà nói với Al-Monitor.
Trên thực tế, Ảrập Xêút sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ an ninh mạnh mẽ với Hoa Kỳ, đặc biệt là các hợp đồng mua vũ khí. Mỹ, nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, cũng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất sang Trung Đông và Bắc Phi; chiếm 54% lượng vũ khí bán cho khu vực từ năm 2018 đến năm 2022, theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố.
Với quyết định gia nhập SCO, mối quan hệ an ninh giữa Ảrập Xêút và Trung Quốc hứa hẹn sẽ nở rộ. Nhưng mối quan hệ này trên thực tế không có gì mới và bắt nguồn từ nhiều thập kỷ trước.
Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung xác định Trung Quốc đã bán tên lửa đạn đạo cho Ảrập Xêút từ những năm 1980, với doanh số bán hàng được báo cáo vào năm 1992, 2007 và 2014. Theo The Wall Street Journal, vào năm 2021, vương quốc này đã nhập khẩu công nghệ tên lửa nhạy cảm từ quân đội Trung Quốc để sản xuất tên lửa đạn đạo của riêng mình.
Bà Hawthorne nói rằng Ảrập Xêút đã tìm kiếm công nghệ tiên tiến hơn từ Mỹ và sẽ đa dạng hóa các nguồn cung cấp. “Các thiết bị do phương Tây sản xuất vẫn phù hợp với hầu hết những thứ mà Ảrập Xêút cần. Nhưng máy bay không người lái và máy bay không phải là máy bay phản lực thế hệ thứ năm mới nhất cùng những thứ tương tự - Ảrập Xêút có thể mua với giá tốt hơn nhiều từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga”.
Tất nhiên, chính sách “không bỏ hết trứng vào một giỏ” của Riyadh sẽ khiến Mỹ phải suy nghĩ. Bởi chiến lược hiện tại của Mỹ là tìm cách hạn chế sự hiện diện tại Trung Đông để giải quyết tốt hơn các vấn đề trong nước và tập trung nguồn lực cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc ngày càng tích cực trong khu vực sân sau này của Mỹ, đặc biệt là với các quốc gia vùng Vịnh, thì Mỹ có thể phải tự hỏi liệu họ có khôi phục hoặc tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực hay không.
“Tôi không nghĩ sẽ có câu trả lời ngay cho điều đó. Bởi tôi tin rằng đó là điều đang được thảo luận đặc biệt nghiêm túc ở Washington ngay lúc này”, bà nói thêm.
Có thể nói kể từ khi thái tử Ben Salman lên điều hành ở Ảrập Xêút, nhân vật này luôn có quan hệ “khá phức tạp” đối với các chính quyền liên tiếp tại Washington. Nhà Trắng đã trải qua ba đời tổng thống từ năm 2015 nhưng sứt mẻ giữa thái tử Ben Salman với “chú Sam” không hề được hàn gắn. Đương nhiên, đây là một món quà ngoài mong đợi đối với cường quốc châu Á vào lúc Trung Quốc đang ở trên võ đài, bước vào một cuộc tranh hùng với Mỹ.