4 lằn ranh đỏ
Trong cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy mối quan hệ "ổn định, lành mạnh và bền vững" với Washington. Thừa nhận sự khác biệt không thể tránh khỏi giữa hai cường quốc toàn cầu, ông lập luận rằng sự tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại là nền tảng cho các tương tác của họ.
“Với tư cách là hai cường quốc lớn, cả Trung Quốc và Mỹ đều không nên tìm cách áp đặt ý chí của mình lên đối phương, cản trở sự phát triển chính đáng của nhau, hay duy trì vị trí thống trị của mình bằng cách lấn át nước kia”, theo Tân Hoa xã.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại “4 lằn ranh đỏ” của Trung Quốc - những vấn đề mà Bắc Kinh yêu cầu Washington phải lưu ý: đó là các động thái khuyến khích độc lập ở Đài Loan, lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền để gây áp lực với Trung Quốc, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và kiềm chế sự trỗi dậy về kinh tế của nước này. Ông tuyên bố, đây là "những rào cản quan trọng nhất" đối với quan hệ song phương và cần tránh nếu muốn duy trì hòa bình và ổn định.
Ngăn ngừa Chiến tranh Lạnh mới
Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo về nguy cơ tái diễn căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh, điều mà ông mô tả là “trò chơi không có người chiến thắng” và gây thiệt hại cho cả hai bên. Ông nhấn mạnh, bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc sẽ không chỉ phi thực tế, mà còn chắc chắn sẽ thất bại.
Theo tờ China Daily, thông điệp này phù hợp với nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm duy trì quỹ đạo tăng trưởng, trong khi giảm thiểu sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận những tiến bộ mà hai nước đã đạt được, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về khả năng quản lý động lực cạnh tranh của họ một cách có trách nhiệm. Theo trang web của Nhà Trắng, ông Biden cho biết: “Các cuộc đối thoại của chúng tôi luôn thẳng thắn và trực tiếp. Chúng tôi chưa bao giờ chơi trò chơi với nhau. Chúng tôi coi nhau là bình đẳng và điều đó rất quan trọng”.
Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh giao tiếp mở để ngăn ngừa tính toán sai lầm và bảo đảm rằng sự cạnh tranh không leo thang thành xung đột.
Tính toán thận trọng
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình chờ đợi sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, các tuyên bố của nhà lãnh đạo này phản ánh cả hy vọng lẫn thận trọng. Đề xuất áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, cùng với việc bổ nhiệm một số người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc để lãnh đạo nhóm chính sách đối ngoại của ông Donald Trump, bao gồm ông Marco Rubio làm Ngoại trưởng và ông Mike Waltz làm Cố vấn An ninh quốc gia, cho thấy không có lĩnh vực nhạy cảm nào là ngoài giới hạn.
Chưa hết, ông Trump cũng đề xuất hủy bỏ đãi ngộ Tối Huệ Quốc của Trung Quốc, dần loại bỏ tất cả các hàng hóa thiết yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và cấm Trung Quốc mua đất nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, việc Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh vào đối thoại và tôn trọng lẫn nhau cho thấy, Bắc Kinh muốn tránh xung đột trực diện trong khi vẫn bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.
Con đường hợp tác kinh tế - hy vọng hay thách thức?
Bất chấp căng thẳng, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại về các vấn đề kinh tế, miễn là chúng không động đến các vấn đề không thể thương lượng được của Trung Quốc. Ông lập luận rằng, Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn có thể đạt được tiến bộ nếu cả hai coi nhau là "đối tác và bạn bè" và tránh "cạnh tranh ác ý". Thông điệp này phù hợp với sự đồng thuận rộng rãi hơn giữa các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon, người cho rằng lời lẽ mạnh bạo về thuế quan của ông Trump có thể đóng vai trò là chiến thuật đàm phán hơn là mục tiêu cuối cùng.
Tuy nhiên, ông Tập chỉ trích chính sách "sân nhỏ, hàng rào cao" của Mỹ, thuật ngữ do Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đặt ra để mô tả những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, gọi đó là chiến lược làm suy yếu hợp tác toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng khi Bắc Kinh đang phải vật lộn với áp lực kinh tế và tìm cách củng cố khả năng tự chủ về công nghệ của mình. Vấn đề này có thể vẫn là điểm gây tranh cãi dưới thời Tổng thống Donald Trump, vì chính quyền của ông được dự đoán là sẽ tập trung vào việc hạn chế sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Nói chung, theo giới phân tích, những tuyên bố được cân nhắc kỹ lưỡng của Chủ tịch Tập Cận Bình phản ánh chiến lược phòng ngừa rủi ro của Bắc Kinh, chuẩn bị cho những căng thẳng gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong khi thể hiện ưu tiên của mình đối với sự ổn định và hợp tác.
Điều đó báo hiệu cách tiếp cận thực dụng, nhưng kiên quyết: Trung Quốc sẵn sàng hợp tác song không muốn thỏa hiệp về các nguyên tắc cốt lõi của mình. Khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, động thái giữa Bắc Kinh và Washington có thể sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có tôn trọng, hay tiếp tục thử thách những ranh giới này hay không.
Thế giới hiện đang dõi theo sát sao khi hai siêu cường tìm cách điều chỉnh mối quan hệ vừa gắn bó chặt chẽ vừa đầy căng thẳng. Câu hỏi quan trọng định hình tương lai địa chính trị toàn cầu là liệu chính quyền mới của Mỹ có thể tìm ra sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác, hay sẽ khơi mào những xung đột mới.