Kinh phí công đoàn dùng trực tiếp chăm lo người lao động
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang (ĐBQH Ninh Thuận), kinh phí công đoàn được để lại dưới công đoàn cơ sở 75% để các công đoàn cơ sở trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động; còn lại 25% phân phối cho cấp trên công đoàn là cấp cơ sở, cấp tỉnh và Trung ương.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Đình Khang, thực chất số kinh phí phân phối cho cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở cũng quay trở lại chăm lo cho công đoàn viên và người lao động. Bởi môt số công đoàn cơ sở được phân phối 75% không đủ chi cho các hoạt động, thì công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ điều tiết, cấp bổ sung lại. “Qua tính toán thực tế, kinh phí chi trực tiếp cho người lao động lên tới gần 84%, số còn lại là chi tiêu cho 3 cấp công đoàn còn lại. Điều này khẳng định, cơ bản kinh phí công đoàn là để chăm lo trực tiếp cho người lao động”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Khang, mức lương bình quân của người lao động hiện nay khoảng 8,2 triệu đồng/tháng, khoảng 100 triệu một năm. Kinh phí đóng quỹ công đoàn là 2%, tương đương khoảng 2 triệu đồng mỗi năm. Với tỷ lệ 75% chi cho công đoàn cơ sở, người lao động chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng thông qua thăm hỏi ốm đau; quà tết âm lịch; sinh nhật, tổ chức hoạt động phong trào văn hóa.
Đại biểu khẳng định: “Với khoản tích lũy kinh phí công đoàn nộp lên cấp tỉnh và Trung ương từ năm 1957 khi Luật Công đoàn đầu tiên ra đời, Tổng LLĐLĐ Việt Nam đề xuất sử dụng vào xây nhà ở xã hội. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Nội dung này đã được đưa vào Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn trình tự cụ thể”.
ĐBQH Nguyễn Đình Khang đề nghị việc ủng hộ phương án xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75% quỹ công đoàn. “Tỷ lệ đang thực hiện chúng tôi thấy ổn định và phát huy được tác dụng của quỹ. Qua khảo sát ở các nước thì tỷ lệ phân bổ cũng dao động 73 -75% cho công đoàn cơ sở. Như vậy bảo đảm chăm lo cho toàn bộ hệ thống”, đại biểu khẳng định
Đề xuất phương án giao biên chế 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách
Theo đại biểu, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội nên vấn đề biên chế công đoàn được thực hiện theo các quy định hiện hành của Đảng về công tác biên chế. Trước năm 2004, cán bộ công đoàn được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định và phân bổ cho các địa phương. Từ năm 2004 đến nay, theo các quy định của Đảng, biên chế công đoàn ở các địa phương do Ban Thường vụ cấp ủy địa phương quản lý. Năm 2005 là năm cuối cùng Ban Tổ chức Trung ương thông báo chỉ tiêu biên chế. Do việc bàn giao giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố lúc đó có nhiều bất cập nên hiện nay, biên chế của tổ chức công đoàn ở các địa phương xuất hiện rất nhiều bất cập.
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có 12 tỉnh, thành phố công đoàn không được cấp ủy các tỉnh giao biên chế; 40 tỉnh, thành phố lại giao biên chế cán bộ công đoàn không tương xứng, không đủ khối lượng để làm việc. Sau khi báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Chỉ đạo biên chế Trung ương, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 40 ngày 18.7.2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, trong đó giao Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề xuất.
Sau khi tính toán, rà soát lại, đề xuất giao biên chế theo phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống. Hiện số người được cấp ủy các địa phương tạm giao là khoảng 5.200.
Trích quy định trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): “Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Đình Khang cho biết điều này không trái với quy định về quản lý biên chế hiện nay.
“Tại các địa phương có quan hệ lao động không phức tạp, ít doanh nghiệp thì số lượng cán bộ công đoàn chỉ cần có mức độ; nhưng ở những huyện, địa phương, ngành tập trung khu công nghiệp, đông công nhân thì đòi hỏi phải tăng số lượng cán bộ công đoàn thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ” - đại biểu cho biết.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng đề xuất cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách làm theo hợp đồng ở các công đoàn cơ sở. “Hiện nay, chủ tịch công đoàn cơ sở cơ bản là kiêm nhiệm và do doanh nghiệp trả lương, nên để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ công đoàn thì cũng rất là khó”.
Về thời gian làm việc cho cán bộ công đoàn chuyên trách, đại biểu cho biết đề xuất trong dự thảo hướng tới quy định cho thời gian làm việc tùy thuộc vào quy mô của công đoàn cơ sở đông hay ít đoàn viên. Điều này đã được quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tuy nhiên hiện nay chưa có nghị định quy định chi tiết. Ông cho rằng, quy định như vậy để bảo đảm hoạt động cho hoạt động cơ sở; đồng thời “không cào bằng” với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.