Hoạt động Quốc hội tạo điều kiện quan trọng thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng
Theo Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, việc tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm của cá nhân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo Quốc hội đối với công tác đối ngoại của Quốc hội. Qua việc thực hiện ngày càng hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương khẳng định, Quốc hội đã tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện các đường lối đối ngoại của Đảng, đồng thời, chủ động, tích cực tham gia công tác đối ngoại chung. “Sự đổi mới, hiệu quả ngày càng cao của Quốc hội góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Quốc hội, Nhà nước và Đảng ta”, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động, tích cực, đồng bộ cả song phương và đa phương, kết hợp linh hoạt sáng tạo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Khẳng định điều này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, bên cạnh những bài học lớn và thường xuyên, xuyên suốt của hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới, từ hoạt động đối ngoại phong phú và sôi động của Quốc hội có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó có bài học quan trọng về phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả đối ngoại Quốc hội với đối ngoại Đảng, đối ngoại của các cấp các ngành, địa phương và đối ngoại Nhân dân trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế các trụ cột, “binh chủng” đối ngoại, linh hoạt với từng đối tác, từng diễn đàn, từng thời điểm, bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị (NSHN) Việt Nam - Pháp, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) Nguyễn Thúy Anh cho biết, sự tham gia của Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phân ban Việt Nam trong APF và Nhóm NSHN Việt Nam - Pháp trong các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trên bình diện song phương và đa phương đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước nói chung, giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước nói riêng; thể hiện rõ việc nâng tầm đối ngoại đa phương, trong đó có đối ngoại của Quốc hội. “Chúng ta đã chuyển từ tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm sang từng bước tham gia dẫn dắt, định hình luật chơi, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam, qua đó khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hoà bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.
Tiếp tục cụ thể hoá vị trí của đối ngoại Quốc hội theo đường lối Đại hội XIII của Đảng
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột: đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, trong đó chú trọng vị trí, vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; phục hồi kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung kiến nghị, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục cụ thể hoá vị trí của đối ngoại Quốc hội theo đường lối Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9.1.2023 về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng liên quan đến ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện trường phái ngoại giao “cây tre”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.
Với đặc thù vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính đối ngoại Nhân dân, công tác đối ngoại của Quốc hội có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Khẳng định điều này, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Đối ngoại; tăng cường phối hợp giữa các Nhóm NSHN của Quốc hội với các hội hữu nghị song phương, đa phương, phát huy vai trò tích cực của các đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của các tổ chức hữu nghị Nhân dân Việt Nam; tăng cường phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin giữa bốn cơ quan đối ngoại (Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, đánh giá, tham mưu; các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân ở địa phương…
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dự báo tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa, kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo.
Việc tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội 2023 nhằm tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên do Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì diễn ra tại Nhà Quốc hội ngày 14.12.2021. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng, từ thành công của hội nghị sẽ tạo nên bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần đưa công tác đối ngoại của Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn, hiện đại, hiệu quả và thiết thực.