Giải trình trước Quốc hội cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng để trình Trung ương ban hành “một Nghị quyết giống như Nghị quyết số 57 (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - PV) riêng về khu vực kinh tế tư nhân”. Ông cũng cho biết, Trung ương đã khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất" cho phát triển trong giai đoạn tới đây.
Trước đó, trong các phiên thảo luận tổ của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiều lần nhấn mạnh vấn đề then chốt để tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số liên tục trong giai đoạn tới là phải có cơ chế đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân. Xuyên suốt trong nhiều phiên họp của Quốc hội tại Kỳ họp này, các đại biểu cũng liên tục đề cập vấn đề cởi trói, tạo đột phá cho kinh tế tư nhân phát triển.
Kinh tế tư nhân đóng góp tới 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hơn 85% việc làm (theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - PV), nhưng vì sao đa phần doanh nghiệp tư nhân khó lớn mạnh, không lớn được và thậm chí là không muốn lớn trong khi cơ chế, chính sách cho khu vực này cũng không hề thiếu?
Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, các chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân có nhưng “chưa sát được thực tiễn lắm”. Phân tích kỹ hơn, vị đại biểu Quốc hội là Chủ tịch DABACO Việt Nam - đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - cũng nêu rõ, cả nước có khoảng 900.000 doanh nghiệp tư nhân nhưng “chỉ có số ít là đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh, không phải vì họ yếu kém mà vì họ đang bị trói buộc bởi môi trường đầy những rào cản”. Trong đó, rào cản dễ nhận thấy nhất, gây bức xúc nhất thời gian qua chính là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh mà như ví von của ông So là “mỗi bước đi đều bị níu kéo bởi những thủ tục chồng chéo, phiền hà”.
Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo riêng gửi Quốc hội về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính. Theo đó, từ năm 2021 đến hết tháng 3.2024, chỉ có 2.886 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa gồm: 1.486 thủ tục hành chính, 175 yêu cầu, điều kiện, 92 chế độ báo cáo, 164 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành tại 15 luật, 68 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 157 thông tư, thông tư liên tịch và 2 văn bản khác. Kết quả này mới chỉ đạt khoảng 18,2% trên tổng số 15.801 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Chi phí tuân thủ cũng mới chỉ giảm được khoảng 10%, còn rất xa so với mục tiêu Chính phủ đặt ra đến hết năm 2025 phải cắt giảm ít nhất 20%.
Như vậy để thấy rằng, dù Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo vô cùng quyết liệt, nhưng việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cũng như chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Ở góc độ khác, kiểm soát thủ tục hành chính trong xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa đạt kỳ vọng. Chỉ tính trong thời gian từ ngày 1.10.2023 đến ngày 30.7.2024, Bộ Tư pháp đã thẩm định 1.065 thủ tục hành chính tại 105 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 23 luật, 73 nghị định, 5 quyết định, 4 thông tư), qua đó, cơ quan này chỉ đề nghị không quy định 19 thủ tục và sửa đổi 778 thủ tục; còn Văn phòng Chính phủ thẩm tra 489 thủ tục hành chính tại 48 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng cũng chỉ đề nghị không quy định 24 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 279 thủ tục. Nhìn vào những con số này cũng phần nào cho thấy, việc từ bỏ các thủ tục hành chính vẫn không hề dễ dàng, nói cách khác, tư duy “không quản được thì cấm” vẫn tồn tại trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Cải cách thể chế phải được xem là đột phá của đột phá, là chìa khóa để kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân vươn lên được. Đây là mong muốn lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân, nhưng đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Hơn nữa, cải cách thể chế này không chỉ là tập trung rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục, điều kiện kinh doanh hiện hữu đã lỗi thời, đang trói buộc, kìm hãm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; và kiểm soát chặt chẽ việc “đẻ” ra các thủ tục, điều kiện mới - nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Quốc hội chỉ ban hành luật khung còn quy định chi tiết sẽ do Chính phủ, các bộ ban hành - mà hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh cần phải được rà soát, thiết kế, ban hành và thực thi theo đúng tinh thần "người dân được làm những gì mà luật không cấm".
Muốn đột phá cho kinh tế tư nhân - “động lực quan trọng nhất” đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới thì phải “cởi trói” thực sự từ tư duy, từ hệ thống pháp luật đến tổ chức thực thi pháp luật với yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh “phải đi vào thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển như thế, cái gì là rào cản thì phải tháo gỡ ra”.