Trước hết, phải khẳng định rằng, trong một bối cảnh nhiều biến động cần phản ứng nhanh và linh hoạt, định hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng tầm và trao quyền cho Chính phủ ban hành là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, luật khung cũng đặt ra gánh nặng lớn cho Chính phủ và các bộ, ngành trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, rất nhiều vấn đề chính sách sẽ nằm trong các nghị định - điều này giúp công tác quản lý, điều hành của Chính phủ kịp thời hơn, hiệu quả hơn song cũng có một số thách thức.
Không phải ngẫu nhiên trong Kết luận số 119-KL/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu các bộ, ngành không được đặt thêm thủ tục hành chính, phát sinh thêm “giấy phép con” so với hiện hành khi ban hành văn bản dưới luật. Trên thực tế, tình trạng bộ, ngành cài cắm chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khi được Chính phủ giao xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn không phải là không có. Trong đó, “giấy phép con”, “giấy phép cháu”… chính là hiện tượng trực tiếp tác động nhiều nhất đến doanh nghiệp và làm xấu môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các nghị định, thông tư, cơ hội tham gia và đóng góp ý kiến của các bên liên quan thường “hẹp” hơn so với khi tham gia vào tiến trình xây dựng luật. Một phần, thời gian cho phép góp ý đối với một nghị định thường ngắn hơn so với quy trình làm luật, và trong một số trường hợp, các nghị định có thể được ban hành theo hình thức rút gọn, nên cơ hội để doanh nghiệp và người dân tham gia góp ý sẽ ít hơn nữa. Phần khác, một số cơ quan soạn thảo có thể chưa thực sự tạo điều kiện mở rộng cơ hội tham gia của các bên có lợi ích liên quan. Điều này khiến cơ chế tham gia, góp ý, giám sát từ bên ngoài với tiến trình xây dựng quy định chi tiết bị giảm hiệu quả đi rất nhiều - đồng nghĩa là rủi ro cài cắm lợi ích, rủi ro tham nhũng chính sách sẽ tăng lên.
Trong cải cách, trong mọi cách làm mới luôn tạo ra thách thức và cơ hội. Nhận diện rõ những thách thức khi làm luật theo cách mới sẽ giúp cả Quốc hội, Chính phủ và các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, người dân, có các biện pháp và cơ chế phòng ngừa rủi ro.
Ví dụ, bên cạnh những giải pháp ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nêu ra, Quốc hội cần tăng cường yêu cầu các Ủy ban chuyên môn giám sát quá trình xây dựng nghị định, bảo đảm rằng ý chí và định hướng của ĐBQH - những người đại diện cho đa dạng lợi ích của các nhóm cử tri khác nhau - được truyền tải và duy trì trong văn bản hướng dẫn.
Quốc hội và Chính phủ cũng cần bảo đảm rằng cơ chế lấy ý kiến các bên liên quan được thực hiện nghiêm túc để mở rộng “cửa” tham gia ý kiến một cách thực chất và giám sát cài cắm lợi ích; theo đó, các văn bản, chính sách cần lấy ý kiến cần phải được tóm tắt, phân tích các điểm thay đổi, các điểm có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Cần đăng tải công khai đầy đủ không chỉ dự thảo luật mà còn cả các tài liệu có liên quan như đánh giá tác động chính sách, góp ý khác nhau của doanh nghiệp, việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo...
Quan trọng không kém, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức đại diện ý kiến người dân cần năng động và tích cực hơn trong tiến trình xây dựng nghị định, thông tư để bảo đảm thông tin rộng rãi tác động của quy định đến các nhóm lợi ích mà mình đại diện; từ đó tăng cường tiếng nói tham gia chính sách của các nhóm này.
Mọi đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật lần này đều “lấy tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp làm trung tâm” với mục tiêu hàng đầu là tạo lập hệ thống pháp luật hoàn thiện, tạo động lực mạnh mẽ và bứt phá cho phát triển. Tăng cường trách nhiệm đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến rộng rãi trong việc ban hành nghị định trong bối cảnh về cơ bản luật ban hành ở dạng khung chính là góp phần bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc cho mục tiêu đó.