Mục tiêu, kỳ vọng này được đưa ra dựa trên những nền tảng, tiền đề vững chắc của năm 2024 và những năm trước. Đó là như GDP năm 2024 tăng hơn 7% so với năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%; dịch vụ tăng 7,38%. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt hơn 11.511 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 221,9 triệu đồng, tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023.
3 động lực chính của tăng trưởng GDP trong năm 2024 là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, chỉ số IIP ước tăng 8,4% so với năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng của GDP của năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Thu hút FDI tính đến ngày 31.12.2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD.
Một chỉ số quan trọng nữa là trong năm 2024, cả nước có hơn 157.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.547 nghìn tỷ đồng. Có gần 76.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2024 là hơn 233.400 doanh nghiệp, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy đã có những nền tảng vững chắc như vậy, nhưng mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là tăng trưởng 8%, thậm chí là 2 con số là mức tăng trưởng cao, sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện. Bởi thực tế, từ năm 2016 đến 2020, chưa năm nào nước ta đạt mức tăng trưởng 8%. Và trong 5 năm gần đây, chỉ có năm 2022, kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,02%; năm 2024 đạt mức 7,09%.
Vậy nên, để có thể thực hiện được các mục tiêu này, điều quan trọng là cần nhận diện, xử lý hiệu quả các thách thức, các vấn đề, các nút thắt, điểm nghẽn đã và đang tồn tại trong năm 2024 và những năm trước đó. Phân tích rõ hơn về việc này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, phải có động lực, các giải pháp, cũng như các yếu tố hỗ trợ. Năm 2025 phải tiếp tục thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế vì hoàn thiện thể chế là một trong những động lực giúp tăng trưởng đạt kết quả cao.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế. Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư, kích cầu tiêu dùng, xuất nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã từng nhấn mạnh rằng, việc hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024 vừa là động lực vừa là áp lực cho tăng trưởng của kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Vậy nên, khi đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá về cơ cấu, nhất là phải có những chính sách và thể chế đồng bộ nhằm kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa không gian và động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, phải xác định rõ tiềm năng, động lực, nguồn lực cụ thể là gì để chuẩn bị và khai thác các nguồn lực cho phát triển, không chỉ trong năm 2025 mà còn cho cả giai đoạn 2026 - 2030.