Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển...
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập thị trường gồm cả thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024…
Để thực hiện được mục tiêu này, Nghị quyết đề ra các giải pháp trọng tâm là tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư. Nâng cao chất lượng danh mục nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến. Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát kế hoạch thanh tra và điều chỉnh trong trường hợp thấy cần thiết để bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển, đóng góp quan trọng vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế. Bởi vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, việc tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thông thoáng, từ đó, khơi dậy động lực, gia tăng áp lực, tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường là 233.400, tăng 7,1% so với năm 2023 nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên tới 197.900, tăng 14,7% so với năm 2023. Quy mô vốn trung bình của một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 cũng có xu hướng giảm, đạt 9,8 tỷ đồng, so với trung bình giai đoạn 2018 - 2023 là 13,7 tỷ đồng…
Như vậy, rõ ràng doanh nghiệp vẫn gặp rất khó khăn, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp tăng thêm là khoảng 35.500 doanh nghiệp, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017 và thấp hơn các năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này đã gửi đi “thông điệp” rằng cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua chưa đủ để “khỏa lấp” những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến doanh nghiệp dè dặt hơn - một chuyên gia phân tích.
Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đặt ra khá cao. Cho nên, dù quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được nêu rõ trong Nghị quyết 02 nhưng điều quan trọng là quá trình thực thi phải gắn với hiện thực hóa các mục tiêu thông qua các hành động thực chất, quyết liệt. Phải được thể hiện qua thước đo khách quan, chính xác là tăng cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng tốt nhất cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.