Thực ra lâu nay, cải cách thể chế vẫn được xác định là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng lần này, có ba điểm khác biệt quan trọng.
Đầu tiên, trong Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, định hướng và giải pháp cải cách thể chế được đưa lên thành nhóm nhiệm vụ số 1, thay vì ổn định kinh tế vĩ mô như những năm trước đó. Cụ thể, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cải cách thể chế được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, với mục tiêu rõ ràng và mạnh mẽ như vậy cho thấy đây chính là đột phá then chốt trong các giải pháp phát triển năm 2025.
Điểm đặc biệt thứ hai là yêu cầu cải cách thể chế thể hiện tính quyết liệt, sự đổi mới về tư duy, phương thức, cách thức tiến hành. Ngay trong Nghị quyết 158/2024/QH15, Quốc hội nêu rõ yêu cầu: đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, luật pháp phải tạo môi trường thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”…
Điểm đặc biệt thứ ba là tinh thần và tính chất cải cách thể chế quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời hơn không chỉ là khẩu hiệu mà đã ngay lập tức được thể hiện bằng hành động cụ thể trong Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội vào tháng 10.2024. Có thể kể tới, Chính phủ đã trình và Quốc hội thông qua 18 luật, 21 nghị quyết quan trọng, trong đó có những sửa đổi lớn về tài chính, đầu tư và đầu tư công.
Đáng chú ý, trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách lần này không chỉ tập trung thu hút dự án mới mà còn giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực từ các dự án dang dở. Ví dụ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương; sửa đổi các quy định về trái phiếu để tạo lập cuộc chơi mới... Việc đặt trọng tâm vào khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực ở các dự án đang dang dở như vậy không chỉ đưa các nguồn lực này đóng góp vào sự phát triển kinh tế nhanh nhất, mà còn là giải pháp chống lãng phí trong đầu tư kinh doanh hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, nỗ lực cải cách không dừng lại ở tạo thuận lợi mà hướng tới khuyến khích đổi mới sáng tạo và đầu tư. Chẳng hạn, theo Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật, các dự án công nghệ cao, bán dẫn sẽ được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng "hậu kiểm" thay vì "tiền kiểm", giúp đơn giản hóa quy trình và tạo môi trường kinh doanh hiệu quả hơn.
Với quyết tâm cải cách thể chế mạnh mẽ và hành động quyết liệt, kịp thời như vậy từ Quốc hội và Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên, tận dụng tốt cơ hội để đạt được những thành tựu lớn trong năm 2025, tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.