Hiện tại, Apple vẫn kiên trì sử dụng cổng sạc Lightning, xuất hiện lần đầu vào năm 2012 trên iPhone 5 và được coi là vượt trội hơn so với các đầu nối USD có sẵn ở thời điểm đó vì nó có thể cắm được hai chiều. Tuy nhiên, sau khi USB Type C ra mắt vào năm 2014, ưu thế đó đã bị loại bỏ. Đặc biệt sau diễn biến mới nhất của Nghị viện châu Âu thông qua Chỉ thị yêu cầu cổng sạc “quốc dân” cho mọi thiết bị điện tử trên toàn khối EU, Apple sẽ phải thực hiện các thay đổi sớm nhất có thể. Nhất là khi trong năm tài chính 2021, khoảng 25% doanh số của Apple đến từ châu Âu và iPhone là sản phẩm bán chạy nhất trên toàn thế giới. Hồi tháng 5, nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo đã đưa ra thông tin rằng Apple có thể sẵn sàng thực hiện chuyển đổi cổng sạc sớm nhất vào năm 2023. Bên cạnh đó, tác giả Mark Gurman của Bloomberg cũng chứng thực các thông tin này. Điều đáng chú ý là trong nhiều năm, bản thân Apple đã loại bỏ cáp Lightening và giới thiệu MacBook và iPad sử dụng cổng sạc USB Type C.
Tất nhiên, EU không thể buộc Apple phải thực hiện thay đổi trên toàn thế giới. Song như Apple thường nhấn mạnh, việc bán một loạt thiết bị không đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chuỗi cung ứng và tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Và với giá trị mà Apple thu được từ sự đồng nhất trong dây chuyền sản xuất của mình cho các thị trường trên toàn cầu, điều này có thể dẫn đến việc các thiết bị của Apple cũng bị thay đổi cho các khu vực pháp lý khác.
Theo các nhà phân tích, mặc dù các quy định mới của EU sẽ có tác động lớn đến Apple nhưng hãng Táo khuyết vẫn có thể lách luật, không phải thay thế cổng Lightning trên iPhone nhờ vào sạc không dây. Bởi luật hiện hành của EU chỉ đề cập đến các loại sạc có dây. Điều này đã trở nên có cơ sở khi nhiều tin đồn cho rằng Apple đã cân nhắc đi theo hướng loại bỏ sạc có dây để lách luật.
Trước đó, Apple đã nỗ lực chống lại những dự định của EU trong việc tiêu chuẩn hóa sạc USB-C. Trong phản hồi được đệ trình lên Ủy ban châu Âu vào năm 2021, hãng lập luận rằng các quy định mới có thể làm chậm các đổi mới có lợi, bao gồm cả những sáng chế liên quan đến an toàn và hiệu quả năng lượng. Theo Reuters, Apple cho rằng, quy định của EU sẽ “kìm hãm sự đổi mới thay vì khuyến khích nó và gây hại cho người tiêu dùng ở châu Âu và toàn bộ nền kinh tế”, đồng thời gây lãng phí và làm tăng lượng rác thải điện tử trong ngắn hạn vì người dùng sẽ phải vứt bỏ các loại cáp sạc và phụ kiện hiện có. Với ước tính khoảng 1 tỷ iPhone đang được sử dụng trên khắp thế giới vào đầu năm 2021, lượng phụ kiện cũ bị loại bỏ là rất lớn. Một nghiên cứu của tổ chức Copenhagen Economics do Apple ủy quyền cho thấy tác hại của người tiêu dùng từ việc chuyển sang quy định bắt buộc đối với bộ sạc chung sẽ tiêu tốn ít nhất 1,5 tỷ euro, vượt xa 13 triệu euro lợi ích môi trường liên quan.
Hãng Apple cũng cho rằng, động thái của các nhà lập pháp EU là không cần thiết vì thực tế các thiết bị không trang bị sẵn cổng USB-C có thể dễ dàng kết nối thông qua một đầu chuyển đổi. Thực tế, năm 2009, EU ra quy định tất cả các smartphone phải dùng cổng Micro-USB. Khi đó, Apple vẫn trung thành với kết nối 30-pin đã phát triển trên mẫu máy nghe nhạc iPod. Để phục vụ thị trường này, Apple có bán rời một cổng chuyển đổi từ kết nối 30-pin sang Micro-USB.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc Apple “một mình, một chợ” với Lightning chính là sự độc quyền, và việc hãng khăng khăng bảo vệ Lightning là chỉ để bảo vệ lợi ích riêng, ăn thêm lợi nhuận từ việc bán các bộ sạc độc quyền của mình. Trong khi đó, điều này lại gây phiền phức, tốn kém cho người dùng iPhone vì không thể tận dụng được bộ sạc của những hãng khác.