Bí quyết thành công: con người và sự liêm chính
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, kiến trúc sư của sự thịnh vượng Singapore từng khẳng định, một nhà nước tốt phải được vận hành bởi những con người giỏi nhất. Từ triết lý đó, ông đã định hình nên một nền văn hóa công vụ ưu việt dựa trên ba trụ cột: năng lực, liêm chính và hiệu quả.
Những cải cách triệt để như áp dụng tiêu chuẩn khắt khe trong tuyển dụng, đề cao sự liêm chính, và phát triển bộ máy dựa trên năng lực thực sự đã giúp Singapore đạt được hiệu quả quản trị vượt trội. Bộ luật Phòng, chống tham nhũng (PCA) và sự ra đời của Cục Điều tra hành vi tham nhũng (CPIB) vào năm 1952 là những ví dụ tiêu biểu. CPIB hoạt động độc lập, minh bạch và không khoan nhượng trước tham nhũng, bất kể đó là khu vực công hay tư nhân.
Từ những ngày đầu lập quốc, ông Lý Quang Diệu đã học hỏi mô hình đánh giá nhân sự của Tập đoàn Shell, đưa “tinh thần doanh nghiệp” vào hệ thống hành chính. Từng cán bộ, công chức được tuyển dụng không chỉ dựa vào bằng cấp mà còn qua đánh giá thực tế năng lực, lấy hiệu quả làm thước đo. Họ cũng phải tham gia đào tạo bắt buộc và định kỳ để đáp ứng tiêu chuẩn công vụ ngày càng cao. Ông từng nhấn mạnh: “Sự sống còn của Singapore phụ thuộc hoàn toàn vào sự liêm chính và hiệu suất làm việc của các bộ trưởng và quan chức cao cấp.”
Nói chung, văn hóa công vụ Singapore lấy tính liêm chính, thực tài và kết quả làm trọng tâm. Điều này không chỉ giúp đất nước phát triển kinh tế bền vững mà còn tạo dựng niềm tin sâu sắc từ người dân. Lòng tin ấy được xây dựng qua hàng thập kỷ và trở thành nền tảng vững chắc cho mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Các giá trị đúng đắn trong công vụ không chỉ nằm trên giấy tờ hay giảng đường mà còn được truyền đạt qua sự nêu gương của các lãnh đạo cấp cao. Thế hệ công chức mới thấm nhuần những nguyên tắc này, trân trọng liêm chính và uy tín của nhà nước, từ đó duy trì và phát huy lòng tự hào về hệ thống công vụ Singapore.
Cải cách để đối mặt với thách thức mới
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và khó lường, Singapore không ngừng cải cách để giữ vững vị thế. Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong bộ máy công vụ, đặc biệt trong công tác bổ nhiệm và phát triển nhân sự.
Một trong những sáng kiến quan trọng là xây dựng bộ khung năng lực toàn diện, từ năng lực chung, năng lực chiến lược đến năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này tạo ra lộ trình phát triển rõ ràng cho công chức, từ khi gia nhập công vụ đến lúc được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Các công chức không chỉ được đào tạo qua giảng dạy mà còn qua thực tiễn làm việc, như luân chuyển công tác, biệt phái hoặc tham gia các dự án liên bộ.
Hệ thống giáo dục quốc gia cũng được thiết kế để phát huy tối đa tiềm năng cá nhân. Chính phủ không chỉ đầu tư vào giáo dục chuyên môn mà còn vào giáo dục nhân cách và văn hóa dân tộc, giúp xây dựng đội ngũ công chức tương lai có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ để phục vụ đất nước. Việc đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng mỗi người đều cần được phát triển tài năng riêng; tạo thói quen học tập suốt đời, liên tục học hỏi. Chính phủ Singapore xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đào tạo kế nhiệm, bài bản, từ xa. Thời gian đào tạo tối thiểu bắt buộc là 100 giờ trong một năm đối với mỗi công chức, bảo đảm họ luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Trong đó, 60% nội dung đào tạo về chuyên môn, 40% nội dung đào tạo liên quan đến phát triển. Hằng năm, Singapore dành khoảng 4% ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Công chức được đi học sau đại học bằng học bổng của Chính phủ với điều kiện sau khi học phải phục vụ trong các cơ quan của Chính phủ từ 03 đến 05 năm, nếu không phải hoàn trả phí đào tạo.
Singapore hiểu rằng nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn. Từ năm 1962, Ủy ban Dịch vụ công bắt đầu cấp học bổng để thu hút những cá nhân xuất sắc vào khu vực công. Chương trình Phát triển nghề nghiệp cho các học giả (MAP) ra đời năm 2002, mở rộng cơ hội cho cả những người ngoài khu vực công tham gia vào bộ máy nhà nước. Ngoài ra, đảo quốc sư tử cũng chú trọng đến chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân tài. Công chức được hưởng lương xứng đáng, cùng các cơ hội phát triển rõ ràng, dù ở hướng lãnh đạo chuyên môn hay quản lý.
Có thể nói, Singapore là minh chứng thành công cho triết lý về quản lý nguồn nhân lực: lấy con người làm trung tâm trong cải cách hành chính có thể mang lại những kết quả vượt mong đợi. Hệ thống công vụ ở đây không chỉ là công cụ quản trị mà còn là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Hành trình của nước này chứng minh rằng, với tầm nhìn đúng đắn và sự cam kết mạnh mẽ, một quốc gia dù nhỏ bé về diện tích vẫn có thể tạo nên những thành tựu lớn lao, không chỉ trong hiện tại mà còn cho tương lai.