. Tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả
Hiến pháp Meiji (Minh Trị) năm 1889, Quốc hội được thành lập với hai viện là Viện Quý tộc (Thượng viện). Ban đầu, số lượng thành viên của Viện Quý tộc ít hơn 300, nhưng sau đó đã tăng lên khoảng 400. Các quý tộc được coi là đại diện cho cấp bậc và địa vị cao nhất của quốc gia, đóng vai trò kiểm soát Hạ viện. Viện Đại biểu (Hạ viện) ban đầu gồm 300 thành viên, con số này tăng dần lên 466 thành viên.
Về nhiều mặt, dưới thời Hiến pháp Minh Trị, quyền hạn của Hạ viện tương đối hạn chế, đặc biệt là trong kiểm soát ngân sách. Nếu Quốc hội không thông qua dự thảo ngân sách mà Chính phủ đệ trình, thì Chính phủ có quyền áp dụng ngân sách cho năm trước. Điều khoản này được vay mượn từ thông lệ của nước Phổ. Quốc hội cũng không khởi xướng luật quan trọng; đây chủ yếu là chức năng của cơ quan hành pháp.
Thay đổi về cơ cấu
Theo Hiến pháp năm 1947, Quốc hội đã thay đổi mạnh mẽ cả về cấu trúc và quyền lực với hai viện là Viện Đại biểu (Hạ viện) và Viện Tham vấn (Thượng viện), thay thế Viện Quý tộc cũ.
Viện Đại biểu gồm 465 thành viên, được bầu với nhiệm kỳ 4 năm. Viện Tham vấn gồm 248 thành viên, nhiệm kỳ 6 năm, dài hơn 2 năm so với nhiệm kỳ của Viện Đại biểu.
Quyền hạn được mở rộng
Điều 41 của Hiến pháp quy định Quốc hội là "cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất" và "cơ quan lập pháp duy nhất của Nhà nước". Quy định này hoàn toàn trái ngược với Hiến pháp Minh Trị, trong đó quy định Thiên hoàng là người thực hiện quyền lập pháp với sự đồng ý của Quốc hội.
Quốc hội trong Hiến pháp mới không chỉ có chức năng lập pháp mà còn phê duyệt ngân sách quốc gia hàng năm do chính phủ đệ trình và phê chuẩn các hiệp ước, điều ước quốc tế.
Quốc hội cũng có thể khởi xướng các dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tiến hành "các cuộc điều tra nhằm vào chính phủ" (Điều 62).
Quốc hội chịu trách nhiệm bầu ra Thủ tướng mới, thiết lập nguyên tắc về quyền tối cao của cơ quan lập pháp đối với các cơ quan hành pháp (Điều 67). Chính phủ cũng có thể bị Quốc hội giải tán nếu Hạ viện thông qua kiến nghị bất tín nhiệm do tối thiểu 50 nghị sĩ đệ trình. Các quan chức chính phủ, bao gồm Thủ tướng và các thành viên Nội các phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, phải xuất hiện trước các ủy ban điều tra của Quốc hội và trả lời các câu hỏi điều trần.
Tương quan quyền lực giữa hai viện
Nếu trong quá khứ, Viện Quý tộc hay Thượng viện có quyền lực ưu việt hơn, thì sau Hiến pháp 1947, cán cân quyền lực nghiêng về Viện Đại biểu - nơi được coi là đại diện cho dân chúng.
Chẳng hạn, sau cuộc tổng tuyển cử, lưỡng viện sẽ có cuộc họp chung để bầu ra thủ tướng. Trong trường hợp bế tắc giữa hai viện về việc lựa chọn thủ tướng, thì phiếu bầu của Viện Đại biểu sẽ được ưu tiên.
Một trong những quyền lực quan trọng khác của Viện Đại biểu là kiểm soát ngân sách, điều mà trong Hiến pháp cũ còn nhiều hạn chế. Ngân sách phải được đệ trình lên Hạ viện trước; nếu hai viện không thể thống nhất sau 30 ngày, thì lập trường của Hạ viện sẽ được ưu tiên. Quy định tương tự này cũng áp dụng cho các hiệp ước. Điều đó có nghĩa là Viện Tham vấn chỉ có quyền trì hoãn chứ không có quyền phủ quyết những dự luật liên quan đến ngân sách hoặc hiệp ước quốc tế.
Quyền lực này cũng có thể thấy rõ trong quy trình lập pháp. Chẳng hạn nếu một dự luật được Viện Đại biểu thông qua nhưng bị Viện Tham vấn bác bỏ thì Viện Đại biểu có thể phủ quyết quyết định của Viện Tham vấn với 2/3 phiếu ủng hộ. Ngoài ra, chỉ có Viện Đại biểu có quyền thông qua các kiến nghị bất tín nhiệm đối với Nội các hoặc Thủ tướng.
Tuy nhiên, Hiến pháp đã bổ sung cho Viện Tham vấn vai trò hoạt động như một cơ quan lập pháp khẩn cấp được bầu đầy đủ trong các chiến dịch bầu cử Hạ viện: Đó là, trong thời gian Hạ viện bị giải tán, Quốc hội không thể được triệu tập và do đó không có luật nào có thể được thông qua theo thủ tục thông thường; nhưng trong những trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải có ý kiến của Quốc hội (ví dụ như quản lý bầu cử, ngân sách tạm thời, ứng phó thảm họa), Viện Tham vấn có thể triệu tập phiên họp khẩn cấp để đưa ra các quyết định tạm thời cho toàn bộ Quốc hội.
Chính trị Nhật Bản trong nửa sau thế kỷ XX đã cho thấy Quốc hội ngày càng chứng tỏ là một cơ quan có thực quyền, cả về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hơn nữa, sửa đổi của Luật Bầu cử năm 2016, hạ độ tuổi của cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu từ 20 xuống 18, có thể nói, Quốc hội Nhật Bản đại diện cho ý chí của công chúng nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ.