Xác định các tiêu chí cần xem xét để đối chiếu
Từ thực tế hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang, trong thẩm tra, quyết định chủ trương đầu tư, để có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu, thu thập thông tin nhằm thực hiện tốt công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thường trực HĐND tỉnh cần sớm tổ chức họp để thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp (nên tổ chức chậm nhất 45 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp). Tại thông báo dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp, Thường trực HĐND yêu cầu cụ thể thời hạn UBND và các ngành phải gửi tài liệu đến các Ban của HĐND để thẩm tra (chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp). Kiên quyết đưa ra khỏi nội dung, chương trình kỳ họp, không tổ chức thẩm tra các dự thảo nghị quyết không bảo đảm chất lượng hoặc vi phạm quy định của pháp luật về thời hạn gửi tài liệu.
Trước khi thẩm tra, cần bố trí thời gian khảo sát thực địa các dự án hoặc có thể tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan trước; đọc kỹ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xem đã đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 31 của Luật Đầu tư công hay chưa, xem vấn đề gì cần làm rõ khi thẩm tra, xem cơ quan lập báo cáo đã đúng với quy định tại khoản 1 Điều 27, Luật Đầu tư công chưa. Sau đó, mới tổ chức hội nghị thẩm tra chính thức. Cách làm này sẽ giúp cho việc thẩm tra dự thảo nghị quyết được kỹ lưỡng, có đủ thời gian trao đổi, làm rõ.
Để thẩm tra được kỹ, cần xác định các tiêu chí cần xem xét để đối chiếu, hỏi cho rõ: về sự phù hợp với quy hoạch chung, với quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất thì thể hiện ở trang, dòng, thứ tự nào? Cần xem báo cáo thẩm định về vốn và cơ cấu vốn thế nào? báo cáo thẩm định về thiết kế...? Xem các ý kiến thẩm định nêu thế nào, có tiếp thu chỉnh sửa hay không? Nội dung nào đặt ra để người có thẩm quyền cân nhắc khi quyết định…?
Khi thẩm tra, xem xét cụ thể các điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án được quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công (như sự phù hợp với kế hoạch, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của dự án; bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội...); xem xét liệu có các hành vi bị cấm trong đầu tư công quy định tại điều 16 Luật Đầu tư công (Quyết định chủ trương đầu tư không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công; yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản).
Thành lập tổ giúp việc, trưng tập/mời người cóchuyên môn
Trong giám sát thực hiện dự án đầu tư công, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang, việc thực hiện dự án đầu tư công liên quan đến nhiều luật, số lượng hồ sơ tài liệu nhiều. Vì vậy, khi giám sát dự án đầu tư công cần thành lập tổ giúp việc và trưng tập/mời người có chuyên môn về quản lý nhà nước, am hiểu sâu về xây dựng, tài chính, đất đai cùng giám sát; bố trí đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của dự án đầu tư công. Trước khi tiến hành giám sát, cần tổ chức họp đoàn giám sát, tổ giúp việc trước để thông tin, thảo luận những vấn đề trọng tâm khi đi giám sát cần thu thập thông tin; tiến hành phân vai, giao việc khi thực hiện nghiên cứu tài liệu giám sát.
Đáng chú ý, đối với giám sát đầu tư công, báo cáo phục vụ giám sát chỉ đáp ứng được một phần (đối tượng chịu sự giám sát không tự chỉ ra lỗi phạm của mình), cần nghiên cứu hồ sơ của dự án và xem xét đối chiếu với quy định của pháp luật. Vì vậy, sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu, phải họp lại để thống nhất dự kiến lỗi phạm và tổng hợp thành “Bản tổng hợp kết quả nghiên cứu hồ sơ”. Sau đó, tổ chức đối thoại, trao đổi với người phụ trách dự án để bàn thảo, tranh luận. Sau khi đã cơ bản thống nhất các khuyết điểm, hạn chế và lỗi phạm thì xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát để tổ chức hội nghị giám sát với chủ đầu tư, cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan...
Một số sai sót thường gặp trong thực hiện dự án đầu tư công: chủ trương đầu tư chưa bảo đảm theo quy định, người ra quyết định đầu tư không chỉ rõ vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư. Do đó, cần giám sát từ khâu xây dựng quy hoạch và khâu bố trí kế hoạch đầu tư, xem xét từng dự án có phù hợp với quy hoạch đã được duyệt hay không (quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành…). Cần xem có sai sót trong đấu thầu, ký hợp đồng thi công không; các hạng mục đầu tư có đúng với thiết kế, xem tổng dự toán có tính toán sai khối lượng...