Lập pháp và giám sát tối cao là hai chức năng cơ bản của Quốc hội, đều là hoạt động xây dựng Nhà nước giai đoạn đổi mới đất nước. Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10.4.2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: với tinh thần "công tác lập pháp là để kiến tạo, phát triển, công tác giám sát cũng là để kiến tạo, phát triển". Xét cho cùng, xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước kiến tạo phát triển, việc đầu tiên cũng là việc xuyên suốt là nhà nước đó phải có một hệ thống pháp luật đầy đủ và được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả. Việc đó không "ai" khác, trước hết thuộc về Quốc hội, vừa ban hành pháp luật, vừa giám sát thi hành pháp luật.
Quốc hội Khóa XV trải qua hai phần ba thời gian của nhiệm kỳ, lại là thời gian gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng đã được những kết quả rất tích cực.
Lập pháp hiệu quả từ cách tiếp cận "chủ động, từ sớm, từ xa"
Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Đề án để định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ, được Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 19-KL/TW (ngày 14.10.2021) để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch thực hiện, tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một kế hoạch tổng thể về hoạt động lập pháp cho cả nhiệm kỳ. Trong đó, xác định nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ để rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV theo kế hoạch với tinh thần “lập pháp chủ động”.
Công tác soạn thảo, thẩm tra dự án luật được tiến hành tích cực, có sự phân công rõ ràng về cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Quá trình chuẩn bị dự án có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tế, tham khảo, lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến cử tri... Vì vậy, các báo cáo thẩm tra thể hiện rõ chính kiến, có tính phản biện cao, cơ sở khoa học và thực tiễn hơn.
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về các dự án luật được chú trọng và từng bước đổi mới, hình thức đa dạng, phong phú, trong đó có việc phát huy và sử dụng thế mạnh công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông. Việc lấy ý kiến các dự án luật ngày càng hiệu quả, thể hiện tính dân chủ, sự thận trọng trong hoạt động lập pháp, huy động được trí tuệ, sự đồng thuận của Nhân dân, bảo đảm tính rõ ràng, công khai, minh bạch ngay trong khi dự kiến hoạch định chính sách.
Nhờ cách tiếp cận đổi mới về tư duy lập pháp và quyết liệt trong điều hành, nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã đạt kết quả rất ấn tượng, như phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp này, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%"... Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa,” đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.
Mới đây, ngày 16.6.2023, tại Hội thảo về: "Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay", do Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học thuộc Ủy ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện Nhà nước và pháp luật tổ chức, các chuyên gia đều thống nhất đánh giá: hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh, số lượng văn bản được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều. Công tác lập pháp đã đạt được những thành tựu nhất định, hệ thống pháp luật cơ bản đã bảo đảm được tính toàn diện, dễ tiếp cận, ngày càng tiệm cận đầy đủ hơn các tiêu chí về tính thống nhất, phù hợp, khả thi.
Góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiến tạo phát triển
Đổi mới cách làm, năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án về tiếp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trình Đảng đoàn Quốc hội thông qua và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3.8.2022 để các cơ quan triển khai thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội.
Huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, việc triển khai thực hiện các chương trình giám sát hàng năm đã đạt được những kết quả quan trọng; chất lượng giám sát được nâng cao, chuyển biến rõ rệt, hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.
Chọn vấn đề giám sát đúng, trúng, tập trung vào những vấn đề "nóng" được cử tri và Nhân dân quan tâm. Hoạt động chất vấn ngày càng hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, bảo đảm đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ảnh sát với diễn biến thực tế, đời sống và tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của Nhân dân và cử tri cả nước.
Kết quả giám sát của Quốc hội gần nửa nhiệm kỳ qua đã làm chuyển biến nhận thức, hành động của chủ thể và đối tượng được giám sát cũng như lựa chọn vấn đề, lĩnh vực giám sát. Thông qua giám sát, một mặt, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật; mặt khác, bảo đảm kỷ cương pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiến tạo phát triển.