- Tiếp tục quan tâm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri
- Lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri
- 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội
- Tăng cường phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri
- Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân
- Linh hoạt trong tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri
- Bài cuối: Mấu chốt là giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri
Tổng hợp hơn 30.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
Việc thu thập, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp nhân dân của MTTQ Việt Nam là nguồn thông tin phản hồi có vai trò rất quan trọng đối với quá trình ban hành, tổ chức thực hiện, bổ sung, sửa đổi các quyết định lãnh đạo, quản lý xã hội, góp phần giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước có được những quyết định đúng đắn, phù hợp với quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, các vấn đề quốc kế dân sinh.
Tại Điều 3, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 ghi rõ “Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước là quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam”. Những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT về “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” năm 2015 đến nay, phối hợp với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được duy trì nền nếp, đạt những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam với vai trò, chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đến nay, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương và các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam định kỳ hoặc đột xuất báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp, phản ánh tình hình Nhân dân và những ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp được trên 30.000 ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân với lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của pháp luật; về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân trên từng lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp, từ Trung ương đến cơ sở; ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân về năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên; tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài; về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với nguồn thông tin từ các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp Ban Dân nguyện, tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại phiên khai mạc các Kỳ họp Quốc hội (Khóa XIII, XIV, XV). Các ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tại các Kỳ họp Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương liên quan tiếp thu, giải quyết, thông báo cho Ủy ban Trung ương MTTQ và Nhân dân biết và giám sát. Đây là hoạt động thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng, được cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận, quan tâm theo dõi.
Từ chương trình phối hợp và thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố với các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, thành phố đã hướng dẫn các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện thành lập bộ phận thu thập ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân theo Quy định số 282-QĐ/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và cấp huyện”. Hướng dẫn các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện xây dựng chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp; với các cơ quan truyền thông để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Hằng tháng, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện duy trì tổng hợp báo cáo thu thập ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong hệ thống tổ chức mình gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố định kỳ để báo cáo Mặt trận Trung ương.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và cấp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, quận, thành phố đã chủ động báo cáo với cấp ủy, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án ở cấp mình, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và quy trình thực hiện việc thu thập ý kiến, nguyện vọng Nhân dân và dư luận xã hội theo từng thời gian cụ thể. Phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện để tham mưu công tác tuyên truyền, thu thập, tập hợp ý kiến, nguyện vọng Nhân dân và dư luận xã hội.
Xây dựng chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện với 5 đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông ở địa phương; khai thác phương tiện, thiết bị nghe, nhìn phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thông tin kịp thời tình hình thực hiện chương trình phối hợp, các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận chủ trì, phát động đến toàn thể đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Hàng tháng, quý, tổng hợp báo cáo thu thập ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh để báo cáo Trung ương. Đây là nguồn thông tin phản hồi có vai trò rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, ban hành, tổ chức thực hiện, các quyết sách lãnh đạo, quản lý xã hội, góp phần giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước có được những quyết định đúng đắn, phù hợp với quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, những vấn đề quốc kế dân sinh... Việc thực hiện báo cáo, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân của MTTQ Việt Nam các cấp đã đạt kết quả tích cực, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tầng lớp Nhân dân đánh giá cao.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân của MTTQ Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: nhận thức và trách nhiệm của một số Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên về công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân còn hạn chế; chưa thấy rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân còn nhiều bất cập và thiếu phương tiện, tài liệu phục vụ công tác này. Việc phối hợp giữa Ủy ban MTTQ các cấp với HĐND và các tổ chức thành viên cùng cấp trong công tác nắm bất, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân ở một số địa phương, cơ sở chưa thật chặt chẽ, đồng bộ và kịp thời.
Mở rộng, tăng cường các hình thức thu thập ý kiến, nguyện vọng cử tri và Nhân dân
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trước bối cảnh sự vận động, phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu đời sống Nhân dân ngày càng cao, sự biến đổi của cơ cấu giai cấp, tầng lớp xã hội với những lợi ích khác nhau đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với sự nghiệp xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận, trong đó có công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tại Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18.8.2014 của Ban Bí thư Trung ương về việc đổi mới, và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội nêu rõ: “Nghiên cứu khoa học về dư luận xã hội phải chú trọng những kiến thức mới có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ công tác nghiên cứu dư luận xã hội, nhất là cơ chế hình thành dư luận xã hội; cơ sở nhận thức và cơ sở của dư luận xã hội, phương thức tác động nhằm định hướng dư luận xã hội để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tế”; “Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ngành, đơn vị, giữa Trung ương với địa phương để xác định đúng, kịp thời các nội dung, hình thức và phương pháp điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.
Vì vậy, để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; Nghị quyết 03/NQ-MTTW, ngày 25.1.2015 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT, “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp HĐND cùng cấp và các tổ chức thành viên rà soát, bổ sung và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở địa phương, đơn vị mình.
Thứ hai, việc nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân phải bảo đảm khách quan, trung thực và mang tính xây dựng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; góp phần tăng hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Trong quá trình tập hợp ý kiến của Nhân dân cần kết hợp với công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội để Nhân dân hiểu và thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba, mở rộng và tăng cường các hình thức thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, dư luận xã hội từ Trung ương đến cơ sở như: Thông qua việc tập hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân trước Kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp. Thông qua hệ thống tổ chức của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức thành viên. Tổ chức mạng lưới thu thập ý kiến, nguyện vọng nhân dân của Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc mở chuyên mục thu thập ý kiến cử tri và nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử của MTTQ Việt Nam ở Trung ương và các tỉnh, thành phố để tập hợp, đặc biệt là những thời điểm có “sự kiện”, “điểm nóng” xảy ra cần phải tập hợp thông tin kịp thời là hết sức cần thiết.
Thứ tư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở tập hợp ở cấp mình và báo cáo với Ban Thường vụ cấp ủy, HĐND, UBND cùng cấp xử lý; đồng thời gửi về Ban Thường trực MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp định kỳ hoặc đột xuất. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi và nắm tình hình, kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, thông báo kết quả xử lý ý kiến, nguyện vọng của nhân dân của các cấp, các ngành để nhân dân biết và giám sát thực hiện.
Thứ năm, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Lựa chọn, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức đảm nhiệm công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Hàng năm, bố trí kinh phí cần thiết hỗ trợ công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân của MTTQ Việt Nam.
Thứ sáu, tổ chức tốt việc tổng hợp và báo cáo, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ định kỳ mỗi quý một lần (hoặc đột xuất tùy tình hình cụ thể) và đề nghị xử lý. Vì vậy, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức viên trong công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhất là với các đoàn thể chính trị - xã hội. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác phối hợp giữa các bên. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của của cử tri và nhân dân.