Chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông
Tại tọa đàm “Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe hybrid và pick - up: Giải pháp nào phù hợp?”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 3.4, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chủ trương thúc đẩy phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Trong Kết luận 81-KL/TW ngày 4.6.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặt ra nội dung cấp thiết phải xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm phát thải, xây dựng giao thông và nông nghiệp.
"Giao thông là một trong những vấn đề cấp bách, nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải như cam kết với quốc tế, hướng tới Netzero vào 2050", Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi cho biết, để cụ thể mục tiêu này, Thủ tướng đã ban hành 2 văn bản.
Một là, Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 25.7.2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; trong đó đặt ra nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông.
Hai là, Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22.7.2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải…
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Điều 65 quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải, nêu ra các quy định cụ thể, đặt ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được xem xét thông qua cũng nhằm hướng tới mục tiêu này.
Có chính sách thuế phù hợp cho xe hybrid - trung gian giữa xe điện và xe xăng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, xe hybrid, với khả năng kết hợp động cơ xăng và điện, được đánh giá cao về hiệu quả sử dụng năng lượng và thân thiện với môi trường, đặc biệt trong việc giảm phát thải khí độc hại và tiếng ồn tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, việc triển khai loại xe này cũng đối mặt với những thách thức về hạ tầng đồng bộ, thói quen tiêu dùng và vấn đề giá cả.
Trước những lợi thế và khó khăn trong việc phát triển xe hybrid, Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận vấn đề dưới góc độ môi trường, vì chúng ta đặt mục tiêu kép: tăng trưởng cao nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường.
"Thực tế cho thấy, các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi các giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Xe hybrid, với vai trò là cầu nối giữa xe điện và xe xăng truyền thống, cần được xem xét kỹ lưỡng để xây dựng lộ trình và chính sách phù hợp. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải Việt Nam", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh.
Xe pick - up chở hàng cabin kép rất hữu dụng với nông thôn, miền núi
Liên quan đến xe pick - up chở hàng cabin kép, ông Tạ Đình Thi cho rằng, trong bối cảnh Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được nghiên cứu sửa đổi, việc tiêu chuẩn hóa rõ ràng sẽ tạo cơ sở để xây dựng các chính sách thuế phù hợp.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, xe pick - up chở hàng cabin kép rất hữu dụng với nông thôn, miền núi, vừa chở người vừa chở sản phẩm hàng hóa. Với đặc điểm và tiêu chuẩn phân định rõ như vậy thì cần có chính sách thuế hướng tới bảo đảm yêu cầu phát triển ở các khu vực nông thôn miền núi - nơi mà chúng ta đang đặt trọng tâm; đặc biệt, ngành nông nghiệp rất quan trọng.
Trước đó, chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, cho biết, ở Việt Nam, xe pick - up chở hàng cabin kép lưu hành ở đô thị chiếm gần 30%.
Còn lại, hơn 70% người tiêu dùng xe pick - up chở hàng cabin kép thuộc khu vực miền núi và các tỉnh ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong số này, có hơn 64% là khách hàng cá nhân, gồm nông dân, kỹ sư, cá nhân kinh doanh tự do; nhóm này mua xe nhằm mục đích vận tải, kinh doanh thương mại với quy mô vừa và nhỏ. 36% khách hàng còn lại là các cơ quan, doanh nghiệp như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tập đoàn Viettel…, dùng xe này để thực hiện nhiệm vụ quốc gia và các hoạt động chuyên ngành.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5 tới đây. Tiếp thu các ý kiến góp ý, đến nay, dự thảo Luật đã có những thay đổi quan trọng đối với xe pick - up chở hàng cabin kép.
Theo đó, từ chỗ đề xuất áp thuế suất 60% ngay khi Luật có hiệu lực thi hành (dự kiến từ năm 2026), cơ quan soạn thảo đang xem xét để đưa ra một lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe này sao cho hợp lý, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời tránh gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những hộ gia đình và doanh nghiệp ở nông thôn, đối tượng chính sử dụng xe pick - up chở hàng cabin kép.