Chống khai thác IUU phải là việc làm lâu dài
- Tham gia Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại về việc thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU tại Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định vừa qua, ông đánh giá thế nào về kết quả mà các địa phương đã làm được trong nỗ lực thúc đẩy gỡ “thẻ vàng” củaEC?
- Các địa phương đều có cố gắng, nhất là Khánh Hòa - địa phương được EC chọn đột xuất đến kiểm tra thực tiễn trong đợt thanh tra thứ ba về thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Qua làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa lần này, có thể thấy, trong khoảng 2 - 3 tháng gần đây, tỉnh không có trường hợp tàu cá nào vi phạm. Tuy nhiên, một số địa phương khác vẫn còn trường hợp tàu cá vi phạm, hoặc có tỉnh còn tồn dư lượng tàu cá chưa đăng kiểm, chưa đăng ký, chưa được cấp phép… Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành ở địa phương trong thực hiện các biện pháp chống IUU còn ở mức thấp.
Ngoài ra, cũng còn nhiều vấn đề khác như: tình trạng vượt quá cường lực đánh bắt do số lượng tàu thuyền của nước ta nhiều; phần lớn tàu cá hoạt động là tàu cỡ nhỏ, không đủ tiêu chuẩn đăng kiểm; việc trang bị thiết bị theo dõi, giám sát hành trình mới chỉ tập trung cho những tàu đánh cá xa bờ với chiều dài từ 15m trở lên, còn những tàu có kích thước nhỏ hơn Nhà nước chưa đủ sức hỗ trợ để lắp đặt thiết bị theo dõi. Mặc dù cũng có gia đình thấy cần thiết họ cũng lắp cho tàu, nhưng số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhìn chung, các nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” của EC đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện rất quyết liệt từ trung ương xuống địa phương, cơ sở, song vẫn còn không ít thách thức, khó khăn.
Tôi cho rằng, cần xác định việc thực hiện các quy định về chống khai thác IUU không chỉ nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC trong trước mắt mà đây là việc làm liên tục, lâu dài để hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Đây cũng là cam kết của Việt Nam lâu nay. Trước năm 2010, chúng ta đã cam kết với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và hiện đang cam kết thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững. Việc chúng ta nỗ lực thực hiện các biện pháp chống IUU thể hiện trách nhiệm quốc gia đối với chính đời sống và sinh kế của ngư dân, duy trì thị phần xuất khẩu của ngành thủy sản để đóng góp cho nền kinh tế đất nước theo hướng bền vững và hiệu quả.
- Trong chuyến khảo sát, Đoàn đã thăm cảng cá, tàu của ngư dân, trực tiếp gặp gỡ bà con tại các địa phương. Ông nhận định như thế nào qua những gì “mắt thấy, tai nghe”?
- Dễ thấy đầu tiên là hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá của các địa phương còn nhiều vấn đề, chưa đáp ứng các điều kiện để truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo tiêu chuẩn chung của châu Âu. Từ thực tiễn ở các địa phương, cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ hơn nữa. Giải pháp trước mắt là cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, thậm chí là "đến tận nhà, ra tận tàu" và từng hộ gia đình phải cam kết với sự chứng kiến của chính quyền địa phương và các tàu bạn trong cùng tổ, đội.
Sau chuyến khảo sát, trên cơ sở thực tiễn và các đề xuất, kiến nghị từ cơ sở và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, bộ, ngành, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, thảo luận, bàn bạc, nhằm đề xuất thêm những giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Cái gốc thiếu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực
- Khó khăn chung hầu hết các địa phương nêu trong báo cáo là hạn chế về nguồn lực con người và nguồn lực đầu tư. Theo ông, đâu là giải pháp giải quyết bài toán này?
- Thực ra không chỉ riêng ngành thủy sản mà hầu như bất cứ ngành, lĩnh vực nào của chúng ta cũng đang thấy vướng, thấy khó vì hai lý do: một là thiếu người, hai là thiếu tiền. Thế nhưng ngược lại, cũng cần đặt câu hỏi là trong điều kiện vừa thiếu người, vừa thiếu tiền như thế thì chúng ta phải làm thế nào? Có giải pháp nào để khắc phục khó khăn và thực hiện được mục tiêu đề ra?
Trong điều kiện vừa không có người, vừa không có tiền, thì chúng ta có bảo tồn được biển được không, có phát triển được nghề cá theo hướng bền vững không, có kiểm soát được hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp không? Đây là những câu hỏi phải suy nghĩ thấu đáo, kỹ lưỡng, còn nếu chỉ tìm lý do để biện minh cho việc không làm tốt thì rất dễ.
- Theo ông, cái gốc vấn đề nằm ở đâu?
- Theo tôi, chừng nào Nhà nước còn "ôm" quá nhiều việc và người dân "đứng ngoài cuộc", doanh nghiệp không có trách nhiệm với công việc chung thì khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra sẽ khó giải quyết. Với chủ tàu và ngư dân, biển chính là "nồi cơm Thạch Sanh", là lợi ích trực tiếp. Do vậy, nhiệm vụ khai thác và bảo tồn biển bền vững không phải nhiệm vụ của riêng Nhà nước hay bộ, ngành nào mà là nhiệm vụ của mỗi ngư dân, chủ tàu và người dân sống dựa vào nguồn lợi từ biển.
Luật Thủy sản năm 2017 đã dành một điều quy định về "đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản". Đây là phương thức quản lý mà trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nói cách khác, Nhà nước và Nhân dân cùng tham gia quản lý, cùng làm, cùng hưởng. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện quy định này vẫn chưa thật sự được áp dụng hiệu quả.
Phát triển nghề cá bền vững đòi hỏi hành động tập thể. Vì thế, nếu không có cơ chế phối hợp hiệu quả, không hành động cụ thể, Nhà nước không tạo cơ hội để người dân tham gia cùng quản lý, khai thác vào bảo vệ chính lợi ích của họ trên biển, nếu không có cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia nỗ lực chống IUU vì chính lợi ích của doanh nghiệp, thì các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU sẽ chỉ trong ngắn hạn và không triệt để.
Và cái gốc của vấn đề là chúng ta thiếu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần có cơ chế, chính sách để người dân tham gia cùng Nhà nước trong thực hiện các biện pháp chống IUU, phát triển nghề cá bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
Theo quy định tại Điều 10, Luật Thủy sản năm 2017 về "đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản", thì tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Thành viên là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó; đăng ký tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một khu vực địa lý xác định chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác; có phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
Về thẩm quyền công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng, UBND cấp tỉnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai huyện trở lên. UBND cấp huyện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn quản lý. Việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên do UBND cấp tỉnh hiệp thương quyết định.
Nội dung chủ yếu của quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm: Tên tổ chức và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng; phạm vi quyền quản lý được giao; vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao; phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
Cơ quan nhà nước có quyền và trách nhiệm: Quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý; kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức cộng đồng; sửa đổi, bổ sung, thu hồi quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức cộng đồng có quyền: Tổ chức, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý. Thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Ngăn chặn hành vi vi phạm trong khu vực được giao quyền quản lý theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng. Được tham vấn đối với dự án, hoạt động có liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái hoặc nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quản lý. Hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thành lập quỹ cộng đồng.
Tổ chức cộng đồng có trách nhiệm: Thực hiện đúng các nội dung được ghi trong quyết định công nhận và giao quyền quản lý nêu trên. Chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản; việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra, thanh tra, điều tra, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong khu vực được giao. Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động của tổ chức cộng đồng theo quy định.