Khắc phục các chỉ số thành phần giảm điểm
Trong khuôn khổ Hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI, phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022 vừa qua, vấn đề điểm số và thứ hạng các chỉ số thành phần PCI của tỉnh chưa thực sự bền vững đã được chỉ rõ. Theo đó, trong 10 chỉ số thành phần, ngoài chỉ số Chi phí thời gian giảm điểm không đáng kể nhưng lại tăng hạng thì 4 chỉ số khác gồm: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động đều giảm điểm. Đáng lo ngại hơn, chỉ số Tính minh bạch giảm 0,13 điểm so với năm 2020 và giảm 10 bậc, xếp thứ 15/63 trong bảng xếp hạng toàn quốc và chỉ số chính sách hỗ trợ giảm 0,19 điểm và giảm 13 bậc, đứng thứ 14/63.
Về nguyên nhân, báo cáo phân tích chỉ ra rằng: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin có chiều hướng giảm sút. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá về sự hữu ích của các thông tin trên Cổng thông tin điện tử chưa cao. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC về đất đai hay tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC về lĩnh vực này không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ đều rất ở mức cao...
Từ góc nhìn chuyên gia, Trưởng Ban Pháp chế, Giám đốc Dự án PCI quốc gia Đậu Anh Tuấn cho rằng, Quảng Ninh cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa CCHC, nhất là ở các lĩnh vực gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp; tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; có các hoạt động nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp trong tỉnh về các FTA Việt Nam đã ký kết...
Tập trung cho công tác tổ chức bộ máy, con người, công nghệ
Trong năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu nâng tổng điểm PCI lên 75,38 điểm. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 6 chỉ số trong top 5/63, trong đó có 3 chỉ số dẫn đầu cả nước và 4 chỉ số trong top 10/63. Hiện thực hóa mục tiêu này thì việc tìm ra các sáng kiến mới, thực chất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đòi hỏi tỉnh phải thực hiện hết sức khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, con đường duy nhất để Quảng Ninh giữ được thứ hạng không chỉ của chỉ số PCI mà cả các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI là phải tiếp tục tập trung cho công tác tổ chức bộ máy, con người, công nghệ, quy trình, sự phối hợp liên thông giữa các cấp, các ngành. Đã đến lúc các cấp, các ngành phải làm mạnh mẽ hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý sai phạm, nhất là hành vi tham nhũng vặt gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đội ngũ cán bộ các cấp phải có động lực đổi mới, sáng tạo…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, sẽ tập trung kiến tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; phát huy hiệu quả các Tổ công tác về hỗ trợ đầu tư Investor Care, Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, Tổ hỗ trợ đầu tư một số dự án trọng điểm. Cùng với đó, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…