Quảng Ninh cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, giữ vững thương hiệu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 06:38 - Chia sẻ

Dù đứng đầu cả nước trên Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, song tổng điểm của Quảng Ninh giảm 2,07 điểm so với năm 2020. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu vẫn ở thứ hạng chưa cao; dư địa để thực hiện cải cách còn nhiều. Đây là những vấn đề thôi thúc Quảng Ninh vào cuộc mạnh mẽ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”...

Thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi

Tháng 4 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Tại lễ công bố, tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc đạt 73,02 điểm trên thang điểm 100, đứng đầu bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 5 năm liên tiếp Quảng Ninh nhận Cúp quán quân và 9 năm nằm trong TOP 5 bảng xếp hạng danh giá này.

Theo đánh giá từ VCCI, Quảng Ninh là địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát dịch Covid-19. Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song chất lượng điều hành kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực với hiệu quả và hiệu lực thực thi gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng cũng phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng có những cải thiện rõ rệt…

Tại Hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI, phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022 do tỉnh tổ chức mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Quảng Ninh rất vinh dự, vui mừng khi tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là địa phương giữ vị trí thứ nhất về Chỉ số PCI. Đây là kết quả nỗ lực không mệt mỏi qua nhiều năm, nhiều thế hệ lãnh đạo dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp quán quân PCI năm 2021. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh Đỗ Phương
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp quán quân PCI năm 2021. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Ảnh Đỗ Phương

“Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cũng nghiêm túc thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong bộ chỉ số PCI của tỉnh. Trong đó, dù đứng đầu cả nước song tổng điểm năm 2021 của tỉnh giảm 2,07 điểm so với năm 2020. Một số chỉ tiêu có sự cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao trong khi dư địa để cải cách còn nhiều. “Kết quả PCI 2021 cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh, thành khác khi có lợi thế của “người đi sau”và có thể tham khảo, áp dụng những cách làm hay, thực tiễn tốt sẵn có từ những địa phương nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh của mình”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nêu rõ.

Trong khi đó, ở một số việc, một số nơi; một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương chưa thực sự thể hiện rõ sự tâm huyết, trăn trở đối với việc tìm kiếm các cơ hội để đổi mới sáng tạo, tiếp tục thay đổi về chất đối với CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Địa phương cũng chưa tận dụng và phát huy tốt nhất các cơ hội tạo đột phá mới từ chính các mô hình Quảng Ninh đã tiên phong thực hiện để tạo chuyển biến về tốc độ và chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phải chỉ rõ và xác định cuối cùng người dân được gì, doanh nghiệp được gì, tỉnh được gì... Toàn tỉnh cần tiếp tục kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Ứng dụng mạnh mẽ thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tạo bước đột phá để hiện đại hóa nền hành chính; cung cấp tối đa các dịch vụ tiện ích số, mang lại giá trị gia tăng và tạo sự thuận tiện nhất cho mọi người dân; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.

Đặc biệt, không bao giờ tự chủ quan, tự thỏa mãn mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình và của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo quy định với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”...