Cần coi đóng tàu là ngành công nghiệp xương sống
Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân nhấn mạnh: Với đội ngũ nhân lực đóng tàu khá lành nghề và chi phí nhân công thấp nên chúng ta có những thế mạnh trong cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Theo số liệu nghiên cứu, tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm. Vì vậy, để phát huy được lợi thế và hạn chế lãng phí nguồn lực của ngành đóng tàu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 36 của Trung ương, đại biểu đề nghị: Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá đúng vai trò và có cách nhìn thỏa đáng về ngành đóng tàu. Cần coi đây là ngành công nghiệp xương sống để tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển… cùng phát triển.
Trên cơ sở đó, sớm có các chính sách hỗ trợ về tài chính. Đầu tư, hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đóng tàu, khuyến khích/hỗ trợ di chuyển nhân lực, khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghiệp đóng tàu cũng như công nghệ phụ trợ… Tiếp tục đầu tư kết hợp với phát triển và hiện đại hóa đội tàu biển Việt Nam, gắn việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, cùng với tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trên biển với chính sách để hỗ trợ các chủ tàu lớn phát triển đội tàu hiện đại, hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp đóng tàu...
Đột phá dám nghĩ, dám làm
Trong phiên thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng, đối với nội dung thí điểm thành lập khu thương mại tự do (Điều 9a), ĐBQH Lã Thanh Tân cho rằng cần thiết phải có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ thúc đẩy phát triển thí điểm khu thương mại tự do ở TP. Đà Nẵng, hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, đề nghị khu thương mại tự do Đà Nẵng cần được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế và áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan, chính sách về thu phí hải quan, thuế quan.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng đã và đang hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đây là một trong những đột phá nổi bật, đột phá dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro của TP. Đà Nẵng khi đề xuất thí điểm mô hình mặc dù đã được thực hiện thành công trên thế giới, nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Nhấn mạnh điều này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, biện pháp dự báo, dự liệu, quản lý, phòng ngừa và ứng phó với các tình huống rủi ro nếu xảy ra trong quá trình thực hiện, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ TP. Đà Nẵng thực hiện thí điểm thành công, nhất là mô hình này cũng đang được một số địa phương dự kiến đề xuất trong thời gian tới.
Hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động
Cùng với đề xuất nhiều nội dung thiết thực đối với sự phát triển của đất nước, đại biểu cũng đề xuất giải pháp cho nhiều vấn đề đang rất được đông đảo cử tri quan tâm.Tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), về hưởng BHXH một lần (Điểm đ, Khoản 1, Điều 74), ĐBQH Lã Thanh Tân lựa chọn Phương án 1 để bảo đảm an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề nghị cần có định hướng truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Đề nghị nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đối với vấn đề quảng cáo thuốc trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đại biểu cho rằng, thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng hiện nay khá tùy tiện, không được kiểm soát chặt chẽ, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc dự thảo Luật đề xuất bãi bỏ một số quy định về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, xác nhận nội dung… về thông tin, quảng cáo thuốc cần phải được tính toán cẩn trọng, vì chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất khó kiểm soát. Hoạt động quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng đối với thuốc, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Y tế. Cần có các quy định rất rõ ràng để tránh tình trạng bán các thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.