Sáng 21.11, thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu đánh giá, cùng với việc chủ động đấu tranh phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý các loại tội phạm vi phạm pháp luật đã đạt được nhiều chỉ tiêu và nhiều chỉ tiêu vượt mức của Nghị quyết Quốc hội giao.
Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã thụ lý giải quyết rất nhiều các vụ án tranh chấp dân sự, hành chính, về số liệu có 468.828 vụ việc tranh chấp dân sự và 12.162 vụ việc khiếu kiện hành chính tăng 24.832 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022.
Tòa án và Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp hướng dẫn các bên đương sự cung cấp hồ sơ tài liệu, chứng cứ tích cực thực hiện hòa giải, đối thoại và kết quả đã hòa giải, đối thoại thành 80.490 vụ việc, đây là những vụ việc hòa giải trong tố tụng dân sự.
Liên quan đến công tác hoà giải, đối thoại tại toà án, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nêu rõ, từ khi Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Tổ chức hòa giải, đối thoại tại tòa án đã tạo ra một cơ chế pháp lý mới để người dân lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại tòa án một cách linh hoạt, phù hợp, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, công sức cho Nhà nước, cho tổ chức, cho cá nhân.
Đặc biệt, khi hòa giải thành, mối quan hệ mâu thuẫn đôi bên được hàn gắn ngày càng tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn trong cộng đồng dân cư và giảm đáng kể vụ việc phải giải quyết cho cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án. Đã có 119.058/129.856 vụ việc được hòa giải, đối thoại thành tại tòa án, bằng 91,68%.
Tuy nhiên qua khảo sát tại một số tòa án địa phương, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho biết, vẫn còn tình trạng người dân nộp đơn khởi kiện tại tòa án nhưng từ chối hòa giải, đối thoại mặc dù cán bộ tòa án đã kiên trì hướng dẫn, giải thích những lợi ích, những tính ưu việt mà người dân được hưởng từ chính sách của luật này; số đơn từ chối hòa giải, đối thoại vẫn còn nhiều.
Để Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nói riêng về những lợi ích, tính ưu việt của Luật mang lại cho người dân, khuyến khích người dân chủ động lựa chọn phương thức giải quyết hòa giải, đối thoại khi giải quyết tranh chấp tại tòa án. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn pháp luật, thông qua tư vấn pháp luật cần hướng dẫn, giải thích những lợi ích của hòa giải, đối thoại để người dân lựa chọn.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng cho rằng, cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị, nhất là phòng đối thoại hòa giải đúng quy định, cần đầu tư trang thiết bị để hòa giải đối thoại trực tuyến. Trước thực trạng trụ sở tòa án cấp huyện xuống cấp nghiêm trọng và thiếu phòng xét xử, thiếu phòng hòa giải cần được đầu tư xây dựng mới nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành có sự quan tâm, phân bổ cấp kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng kiến nghị, cần có chính sách quan tâm, động viên ghi nhận của các tổ chức, cá nhân đối với các hòa giải viên để khuyến khích, động viên họ nhiệt tình tham gia công tác hòa giải.