Nên mở rộng thêm hình thức “cho thuê”
Tại thảo luận tổ, ĐBQH Mai Văn Hải nhận định, hình thức phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo luật lần này quy định rất đa dạng: Nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng, do các doanh nghiệp HTX đầu tư, do các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, cần làm rõ việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư thì nguồn vốn đầu tư ở đâu, nằm trong kế hoạch đầu tư công hay nguồn vốn hợp pháp nào? Bên cạnh đó, sau khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư và bán cho công nhân, cho thuê mua, đại biểu cho rằng nên mở rộng thêm hình thức “cho thuê” thì sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, đại biểu Hải đề nghị, nên mở rộng đối tượng tiếp cận đến các gia đình chính sách, người thu nhập thấp, người nghèo, cận nghèo…
Đồng bộ để tránh chồng chéo
Đối với vấn đề đất để xây dựng nhà ở xã hội, hiện nay trong Điều 80 quy định, đối với khu vực nông thôn, UBND tỉnh căn cứ điều kiện địa phương để bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc vấn đề này vì nhu cầu nhà ở xã hội đối với khu vực nông thôn không bức bách bằng khu vực thành phố, thị xã hay các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Tại Khoản 1, Điều 91, quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân, quy định trong quá trình lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, UBND tỉnh phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân và các công trình dịch vụ tiện ích phục vụ người lao động. Nhưng trong Luật Đất đai (sửa đổi) thì không có quy định này. Đại biểu đề nghị giữa hai luật phải có sự đồng bộ, tương thích để tránh chồng chéo, khó triển khai trong thực tế.