Theo ĐBQH Mai Văn Hải, trên thực tế có nhiều kiến nghị liên quan đến thể chế, chính sách và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội còn chậm hoặc chưa được giải quyết, nhất là việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cụ thể hóa thi hành luật, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương còn chậm trễ.
Giám sát giải quyết kiến nghị cần làm thường xuyên
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Mai Văn Hải đánh giá, việc Quốchội thảo luận kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp là một việc làm mới và rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và trách nhiệm của Quốc hội trong giải quyết các kiến nghị của cử tri, giúp củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải đặt vấn đề, tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri theo báo cáo thì cao, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, địa phương đơn vị, chậm được giải quyết trả lời, thậm chí còn kéo dài?
Từ thực tế đó, để góp phần nâng cao việc giám sát giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, việc giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri cần phải thực hiện thường xuyên và phải được giám sát mở rộng, không chỉ giám sát cụ thể việc giải quyết một số kiến nghị cử tri như trong báo cáo đã nêu, mà cần phải giám sát trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị cử tri. Đề nghị Quốc hội đưa nội dung này vào thảo luận ở các kỳ họp thường kỳ để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, các kiến nghị cử tri sẽ được giải quyết nhanh, thỏa đáng.
Bên cạnh đó, cần phân loại kiến nghị cử tri, xử lý kịp thời để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và có quy định cụ thể thời gian xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị cử tri, tránh tình trạng kéo dài, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết. Cần phải xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong việc chậm trễ, đùn đẩy, né tránh việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Kiểm tra, giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của cử tri
Theo báo cáo, tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri đạt tới 99,8%, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị, cần xem xét, đánh giá đúng thực chất kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. Bởi, trên thực tế có nhiều kiến nghị liên quan đến thể chế, chính sách và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội còn chậm hoặc chưa được giải quyết, nhất là việc ban hành một số văn bản QPPL cụ thể hóa thi hành luật, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương còn chậm trễ. Điển hình như việc thi hành Luật Công nghệ cao, cử tri TP. Hồ Chí Minh đã phản ánh nêu trong báo cáo, đến nay đã 15 năm chưa ban hành Nghị định và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tham mưu rà soát lại các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành luật, còn bao nhiêu trường hợp quá chậm trễ như vậy? Để việc ban hành các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành luật một cách kịp thời, để các luật được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống.
Theo báo cáo về kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm của Chính phủ, bộ ngành tỷ lệ giải quyết đạt cũng rất cao đạt 99,9% kiến nghị cử tri. Nhưng bên cạnh đó phần lớn các kiến nghị cử tri mới được các Bộ, ngành nghiên cứu, giải trình, giải đáp, cung cấp thông tin là chính chiếm 81,3%; còn kiến nghị cử tri được nghiên cứu, xem xét giải quyết rất ít, chỉ có 3,3% vì vậy cũng còn một số ý kiến cử tri thấy rằng kiến nghị cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng. Đại biểu ví dụ: Nhiều địa phương kiến nghị về hỗ trợ BHYT, hỗ trợ tiền ăn cho các cháu học sinh sau khi thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; việc thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; việc vướng mắc trong thực hiện Nghị định 27 của Chính phủ về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.
Trong thời gian tới đề nghị các kiến nghị chính đáng của cử tri thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng, thì cần phải được xem xét, kiểm tra thực tế để có phương án giải quyết, đặc biệt là những khó khăn vướng mắc trong sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp, những vướng mắc của địa phương cần được tháo gỡ sớm, không nên chỉ giải thích, giải đáp và cung cấp thông tin chung chung.
ĐBQH Mai Văn Hải cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo sớm có hướng dẫn để Thanh Hóa và một số tỉnh hưởng cơ chế đặc thù về thuế xuất nhập khẩu theo nghị quyết của Quốc hội.