- Thưa bà, bà có hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội?
- Tôi đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Các ĐBQH đã đưa ra các câu hỏi xác đáng, thể hiện được bức tranh chung về sự quan tâm của cử tri đối với các lĩnh vực như: giải quyết việc làm, chế độ chính sách cho người lao động, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng/tạo nguồn lao động chất lượng cao, bảo hiểm xã hội...
Phần trả lời cho thấy Bộ trưởng đã nắm chắc các lĩnh vực phụ trách, xác định rõ và hồi đáp có trọng tâm các vấn đề mà đại biểu nêu, không né tránh và cũng nêu được các định hướng giải quyết sắp tới.
Có thể nói, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong 2 năm vừa qua đã có rất nhiều cố gắng với các chính sách an sinh xã hội được triển khai trên phạm vi rộng; tham mưu kịp thời, đề ra chính sách khá phù hợp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả. Những kết quả đó đóng góp vào thành công chung trong công tác phòng chống dịch, và phục hồi kinh tế thời gian qua.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề mà một mình ngành Lao động, Thương binh và Xã hội không thể giải quyết được, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan. Tôi tin tưởng trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ thực hiện được những lời hứa trước đại biểu và cử tri.
- Sau phiên chất này, với tư cách đại biểu Quốc hội, bà sẽ giám sát lời hứa của Bộ trưởng như thế nào?
- Không riêng cá nhân tôi mà cử tri kỳ vọng các nội dung được Bộ trưởng nêu sẽ tiếp tục được triển khai tốt trong thời gian tới.
Về việc giám sát lời hứa của Bộ trưởng cũng như các thành viên Chính phủ nói chung, cá nhân tôi, cũng như các ĐBQH khác, sẽ luôn theo dõi, tăng cường tổ chức thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, nhất là các nhóm cử tri đặc thù, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan. Qua đó, nâng cao hiệu quả giám sát lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành, đảm bảo tính khách quan, độc lập.
- Trong thời gian tới, bà có đề nghị gì với Bộ trưởng và ngành lao động, thương binh và xã hội dựa trên những vướng mắc, tồn tại thực tế tại địa bàn tỉnh Phú Yên?
- Ở phương diện địa phương, vẫn còn hiện trạng nhiều người dân chưa xem nghề nông là một nghề có thể làm giàu và phát triển bản thân và gia đình. Nhiều người vẫn chọn rời bỏ ruộng vườn để tìm đến các khu đô thị, công nghiệp tìm cơ hội mới, thì việc định hướng, hướng dẫn và đào tạo nghề là rất cần thiết.
Tôi kỳ vọng Bộ trưởng sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến đào tạo nghề, đặc biệt ở khu vực nông thôn, với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp để khai thác tốt nhất lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó cần tập trung các giải pháp để thực hiện tốt việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thời cơ của dân số vàng và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày một lớn của nước ta hiện nay.
Đặc biệt, những vướng mắc trong giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội đã được Bộ trưởng ghi nhận từ ý kiến ĐBQH, đưa các đánh giá, so sánh với chính sách ở các quốc gia tương tự, khái quát tính ưu việt cũng như hạn chế của chính sách hiện tại. Bộ trưởng cũng báo cáo đến cử tri tiến độ rà soát, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội với phương châm bảo đảm tối đa quyền lợi cũng như vấn đề an sinh của người tham gia bảo hiểm xã hội, các giải pháp trước mắt cần thực hiện trong khi chờ sửa Luật.
- Xin cảm ơn bà!