Cân nhắc việc bổ sung nhiều đối tượng không chịu thuế VAT
Tại Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với các chính sách cơ bản như đề xuất của Chính phủ.
Một trong những chính sách được đề xuất là hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, tại dự án Luật này sẽ quy định cụ thể hơn về đối tượng không chịu thuế VAT để bảo đảm khả thi trong thực hiện; đưa một số hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; sửa đổi một số quy định để bảo đảm đồng bộ với pháp luật hiện hành; bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế VAT.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, một trong những mục tiêu được Tờ trình của Bộ Tài chính đặt ra đối với chính sách này là “mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế VAT”. Tuy nhiên, qua rà soát các nhóm giải pháp được đề xuất để thực hiện chính sách, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất bổ sung khá nhiều đối tượng vào diện không chịu thuế VAT so với quy định hiện hành.
Việc rà soát để hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế VAT theo hướng giảm bớt hoặc tăng thêm số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, khả thi trong triển khai thực hiện, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần cân nhắc để có cách thể hiện hợp lý hơn về mục tiêu của chính sách vì việc bổ sung các nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế như đề xuất có thể không đạt được mục tiêu “mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế VAT” như nội dung thể hiện trong tờ trình của Bộ Tài chính.
Mặt khác, việc đề xuất bổ sung khá nhiều đối tượng vào diện không chịu thuế dẫn đến chưa thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước thể hiện tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và chưa bám sát các quan điểm, định hướng thể hiện trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Khẩn trương đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Tại Thông báo 2186 /TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, ngoài dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các dự án luật về thuế khác đến nay vẫn chưa được đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng để bảo đảm đồng bộ với việc triển khai các quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ 2 dự án Luật này đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Nhìn tổng quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, khi trình các dự án luật phải tính toán tổng thể, như các luật về thuế không phải chỉ có riêng Luật Thuế giá trị gia tăng. Khi thông qua Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cũng đã yêu cầu phải rà soát tổng thể pháp luật về ưu đãi đầu tư, các luật về thuế… Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ động tính toán trong tổng thể hệ thống pháp luật về thuế, đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng "có gì, làm nấy" dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất.
Quan tâm đến phạm vi các mặt hàng chịu thuế VAT, nhất là đối với nông sản, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng nội dung được nêu tại hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chuyển mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp… từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất 10%. Nhấn mạnh, không thể vì phát sinh nhiều sai phạm, tiêu cực liên quan đến hóa đơn thuế VAT đối với nông sản mà lại đề xuất sửa đổi như vậy vì không đúng bản chất của thuế VAT, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, "trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa, nhất là tới đây chặt chẽ hơn trong hóa đơn điện tử, vấn đề hóa đơn giả, doanh nghiệp ma...".
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, quy định về thuế VAT nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát, luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống nhất là đối với luật về thuế. Do vậy, vấn đề hoàn thuế VAT cũng cần được quan tâm, thuế VAT là nội dung phức tạp vô cùng, cần nhìn thẳng vào các vấn đề để rà soát.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đối tượng áp dụng, điều chỉnh thuế suất và điều chỉnh mặt hàng từ không chịu thuế sang chịu thuế và ngược lại tăng hay giảm mức thuế suất là câu chuyện rất lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do vậy, vấn đề này sẽ tiếp tục làm kỹ hơn nữa trong quá trình xây dựng dự án luật, đặc biệt tại báo cáo đánh giá tác động sẽ phân tích các điều hơn, lẽ thiệt của việc điều chỉnh chính sách đối với các mặt hàng cụ thể.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám nên thời gian chuẩn bị còn rất ít. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án Luật bảo đảm chất lượng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho xem xét ý kiến tại phiên họp tháng 3, chậm nhất là phiên họp tháng 4.2024 để kịp trình Quốc hội cho ý kiến. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, nếu có điều chỉnh, bổ sung các chính sách phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.